Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2020

Cái giếng quê



Tôi nghĩ ai xa quê cũng có nhiều hồi ức, hoài niệm về nơi chốn, đồ vật và con người gắn bó thân thương vương vấn thuở còn thơ; đó là những hàng rào hoa dâm bụt đỏ rực trước sân, là hàng tre dài xào xạc mỗi khi chiều về, là những mối tình vụng dại tuổi học trò...Còn tôi thì nhớ hoài cái giếng quê sau nhà, nơi gom cả một bầu trời thương nhớ về những năm đầu đời nghèo khó nhưng đẹp đẽ của tuổi thơ.

Kỷ niệm về nó thì mênh mông đong đầy. Lúc ba tuổi, hai anh em tôi suýt chết khi nhảy tung hứng giữa cái nong đậy giếng, quả là một trò chơi mạo hiểm cảm giác cao khi chờ ba mẹ làm đồng về, cái nong phơi lúa hồi đó ông nội tôi làm bằng tre ngâm nên rất dẻo dai, nếu không thì ùm ùm rồi xong... Thế rồi ông nội tôi tốn khá nhiều lúa để xây thành giếng ngay sau đó. Hồi đó, ông chú tôi cua được thím làng bên rất xinh, vì xinh nên thím nổi tiếng và được nhiều chú ve vãn, ông nội tôi không ưng vì nghĩ thím không nết na! Ông chú tôi dọa tự tử nếu không cưới được thím làng bên xinh đẹp ấy. Vào một đêm trăng non, sau một tiếng ÙM vang như tiếng bom gần giếng, ông chú tôi mất tích. Cả nhà toáng lên tưởng ông chú tôi tự tử vì tình, ông chú có kinh nghiệm leo giếng được mời đến, lặn ngụp một hồi vớt được hòn đá ong vô tội, ông nội tôi qua cơn đau tim và sau đó thì tình yêu được xe duyên trong nụ cười hớn hở của ông chú tôi. Còn nữa, vào những sáng mùa đông lạnh căm căm, hai anh em tôi nạnh nhau không ai chịu xách nước từ giếng vào ảng sành sau nhà. Rồi những đêm trăng mờ mờ các cô tôi hay khỏa thân tắm đêm cho mát. Bọn trẻ ranh chúng tôi trong khi chơi trốn tìm len lén nhìn trộm từ những lùm chuối, bụi cây. Tiếng nước giếng rào rạt xối giữa đêm khuya, như xối vào tâm hồn non nớt của chúng tôi những dòng cảm xúc mát lành, tưng tức...

Cái giếng quê của tôi giờ rêu phong phủ đầy, những bụi chuối xanh ngày xưa đã mục nát và ngủ êm dưới lòng đất quê. Hiện thực là ở đâu, nó là một khoảng quá khứ dài đã in dấu sâu xa trong tiềm thức, hay mãi mãi là lời hứa hão huyền chờ ngày trở về? Tiềm thức đẹp đẽ ấy sẽ theo tôi mãi, đến khi nào lời hứa trở về thành hiện thực, tôi sẽ về tỉa tót lại hàng rào hoa dâm bụt, tỉa tót lại cái giếng quê, tỉa tót lại đời mình, khơi lại những giọt nướt mát lành dưới lòng giếng và trong lòng mình nữa.

Hình: cái giếng quê Quảng Ngãi của tôi hiện tại.

Thứ Năm, 21 tháng 5, 2020

Chiến Tranh và Hòa Bình

Đây là cuốn sách đồ sộ về nhiều mặt, đồ sộ về số trang, đồ sộ về tư tưởng mà Tolstoy muốn đề cập thông qua nhiều tầng lớp nhân vật và sự quan sát tinh tế đời sống thời đó ở nước Nga. Đã đọc hai bộ sách đồ sộ khác như Sông Đông Êm Đềm của Sholokhov, Núi Thần của Thomas Mann, nhưng đến Chiến Tranh và Hòa Bình thì tôi thật sự choáng ngợp và thích thú. Nó là cuốn tiểu thuyết kinh điển chương hồi truyền thống không khó đọc và cảm thụ, không khó đọc kiểu như vài cuốn của Faulner (Âm thanh và cuồn nộ, Khi tôi nằm chết...), tuy nhiên ở đây với những độc giả trung niên như tôi có thể rút ra nhiều tri thức về chiến tranh, về hòa bình, về tư tưởng tôn giáo, về Hội Tam Điểm, về đời sống của giới tư sản Nga thời cuối thế kỷ 19.

Mới đọc hết một phần ba cuốn sách, tôi không thể ngăn mình viết ra đây vài dòng cảm nhận cá nhân về nó. Một Andrey từng trải, một Piotr đang hoang mang đi tìm chân lý của đời sống, một kị binh Roxtov trẻ trung sốc nổi nhiệt tình, một đời sống salon phòng khách xa hoa, một sự phi lý và hư vô của chiến tranh, những cuộc tranh luận về tôn giáo cực kỳ sâu sắc dần hiện ra qua từng chương sách.

Tôi muốn trích một đoạn văn dưới đây mà theo tôi nó mang nhiều tính triết lý, sự chiêm nghiệm sâu sắc về đời sống con người, con người và thiên nhiên chỉ là một thực thể hòa hợp, đó là chân lý ngàn đời. Ta phải sống thật chậm rãi, có đôi lúc ta phải quên đi cơn lốc cuốn cuồng vội vã xô bồ của đời sống thực để sống suy tư. Một bài báo viết về cuộc sống số trong thời đại Internet ngày nay nói rằng việc đọc và nghiền ngẫm ngôn từ không chỉ mang giá trị về tri thức mà còn đem lại những rung động về mặt trí tuệ. Chúng đem lại những khoảng lặng để tâm trí con người có thể chiêm nghiệm, đúc rút ra những kết luận cho riêng mình. Nếu những khoảng lặng này bị đánh mất, hoặc bị lấp đầy bởi các nội dung gây phân tán khác, con người dễ đánh mất một thứ quan trọng đối với bản thân lẫn văn hoá của chính mình.

"Dưới ánh nắng xuân ấm áp, chàng ngồi trên xe ngựa, đưa mắt ngắm những ngọn cỏ mới mọc, những nhánh lộc bạch dương mới nhú và những làn mây trắng đầu tiên của mùa xuân lơ lửng trên nền trời xanh trong sáng. Chàng không nghĩ gì hết, chỉ vui vẻ và vô tư lự ngắm cảnh bên dường.
Cỗ xe kiệu đi qua chỗ bến phà, nơi mà cách đây một năm chàng đã nói chuyện với Piotr, rồi đi qua một cái làng lầy lội, những khoảng sân đập lúa, những cánh đồng lúa mì mùa đông đang lên. Xe lăn theo con đường thoai thoải đi xuống một chiếc cầu còn đọng lại ít tuyết, rồi lại leo lên một cái dốc đất sét trơn lầy đi qua những dải đất đầy những gốc rạ và những bụi cây lác đác đâm chồi xanh, rồi tiến vào một khu rừng bạch dương chạy dài hai bên đường. Trong rừng rất ấm, phần nào, nóng bức nữa là khác; không có lấy một hơi gió thoảng qua. Những cây bạch dương lốm đốm những khóm lá xanh mọng đứng im lìm không lay động, và những ngọn cỏ non, những bông hoa tím nhạt đã nhú lên trên lớp lá vàng rụng từ năm ngoái. Mấy cây thông nhỏ mọc lác đác trong khóm bạch dương, màu lá ngàn đời xanh thẳm của nó khiến người ta nhớ lại mùa đông mà bực mình. Chạy vào đến rừng, mấy con ngựa kéo xe thở phì phò, mình càng toát mồ hôi nhiều hơn trước. Anh hành bộc Piotr nói với người xà ích một câu gì đó không rõ và người xà ích khen phải. Nhưng hình như Piotr chưa thoả mãn với sự đồng tình của người xà ích: anh ta xoay người trên ghế đánh xe, ngoảnh về phía chủ mỉm cười lễ phép nói: - Thưa đại nhân, thật là khoan khoái.
- Cái gì?
- Bẩm thật là khoan khoái ạ.
"Anh ta nói gì thế nhỉ? - Công tước Andrey nghĩ thầm
- Phải chắc là nói về mùa xuân, - chàng nghĩ, mắt nhìn sang hai bên đường.
- Ừ cảnh vật mới đó mà đã xanh rờn, chóng quá! Bạch dương, điêu lê cả xích dương nữa, đều đã bắt đầu, còn cây sồi thì vẫn chưa thấy gì. Phải đây, đúng là một cây sồi rồi". Bên vệ đường sừng sững một cây sồi. Có lẽ nó già gấp mười lần những cây bạch dương mọc thành khóm rừng này, nó to gấp mười và cao gấp đôi mấy cây bạch dương ấy. Đó là một cây sồi rất lớn hai người ôm không xuể, có những cành có lẽ đã gãy từ lâu, vỏ cây nứt nẻ đấy những vết sứt sẹo. Với những cánh tay to sù sì không cân đối, với những ngón tay quều quào xòe rộng, nó như một quái vật già nua cau có và khinh khỉnh đứng giữa đám bạch dương tươi cười. Chỉ có một cây sồi là không chịu đón lấy mùa xuân và ánh nắng.

Mùa xuân, tình yêu, hạnh phúc!- Cây sồi già như muốn nói thế - Làm sao cái điều dối trá khờ khạo và điên rồ như thế mà mãi các người không chán! Quanh đi quẩn lại chỉ có thế, và vẫn chỉ là một sự dối trá mà thôi! Làm gì có mùa xuân, có ánh nắng, có hạnh phúc? Kìa, các người nhìn xem, những cây thông chết cằn chết rụi, bao giờ cũng vẫn thế, và ta nữa, đang đang những ngón tay rạn gãy, sây sát từ lưng ta, từ sườn ta mọc lên; xưa kia nó mọc như thế nào thì ta bây giờ cũng như thế, và ta không tin vào những niềm hi vọng và những sự dối trá của các người.

Công tước Andrey ngoái cổ lại cây sồi mấy, lần trong khi xe đi qua khóm rừng, dường như chờ đợi ở nó một cái gì. Dưới gốc cây sồi cũng có hoa, có cỏ, nhưng nó vẫn thế, cau có, lầm lỳ, què quặt và kiên gan đứng im lìm giữa đám hoa cỏ ấy."Phải, cây sồi nó nói phải, một ngàn lần phải, - công tước Andrey nghĩ, - Để cho người khác, những người còn trẻ, họ lao vào sự dối trá ấy, còn chúng mình thì đã biết đời rồi, - cuộc đời của chúng mình hết rồi"! Và một loạt những ý tưởng mới mẻ. Vô hi vọng nhưng buồn buồn dìu dịu do cây sồi gợn lên nảy sinh trong tâm hồn công tước Andrey. Trong chuyến hành trình này, chàng như đã suy nghĩ lại cả cuộc đời của mình và một lần nữa chàng lại đi đến cái kết luận trước kia, một cái kết luận đượm màu bi quan nhưng cũng làm cho lòng chàng dịu lại, là bây giờ chàng không nên mưu đồ một cái gì nữa hết, rằng chàng phải sống nốt cho hết cuộc đời mình, không làm điều xấu, không ưu tư, không ước muốn gì nữa.

Nhật ký thành phố


1. Từ quán cafe Guta quen thuộc, hắn thấy một đôi vợ chồng lữ khách người Tây cùng chia nhau thưởng thức ngon lành một ổ bánh mì kẹp thịt VN, họ bình thản đứng đó, ánh mắt tò mò quan sát đời sống của người dân bản xứ, những hàng quán cafe ghế xúp đông đúc bên vỉa hè, quang gánh bán đủ thứ hàng ăn vặt dưới gốc cây già, tòa nhà chung cư Nguyễn Huệ cũ kỹ với những ô vuông hàng quán cafe màu sắc sặc sỡ. Có thể họ vừa bứt khỏi nhịp điệu đời sống đơn điệu mòn mỏi và mục ruỗng để đến những vùng miền mới lạ với bao niềm hứng khởi ham mê khám phá và rồi sớm muộn gì khi trở về họ cũng sẽ trở lại cái nhịp điệu đều đều nhàm chán ban đầu ấy. Hắn cũng ko là ngoại lệ. Hắn ẩn mình, kiếm tìm trong văn chương những cuộc phiêu lưu, những đời sống khác, hằng mong lấp đầy cảm giác trống rỗng hay sự cô độc của linh hồn trong thực tại đầy phi lý và buồn thảm. Sự tự do ư, nó chỉ là sự tự do hư cấu mà thôi. Hắn nhập vai chàng phó cạo và thầy lang Rob J. Cole rong ruổi trên mọi nẻo đường, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ của những miền Châu Âu sang Châu Á thời trung cổ, hắn dấn thân và trải nghiệm biết bao đời sống mới lạ, người tình mới lạ, những tôn giáo mới lạ, tri thức mới lạ theo từng vết xe ngựa lăn.
2. Tiếng đàn ghi ta mộc mạc chậm rãi lay động cùng tiếng hát của Phạm Hoài Nam đưa hắn về thực tại phũ phàng, "người yêu cũ có người yêu mới, bước qua tôi sao tim bồi hồi", hắn bồi hồi xốn xang khi mơ màng về một thời thanh xuân rực rỡ vui tươi, tay trong tay mà cảm giác rạo rực máu nóng rang tim loạn nhịp. Thời ấy đã rời xa. "Sài Gòn lạc nhau là mất, kẻ ở người đi lối vô...tình", nhưng đối với hắn Sài Gòn vẫn dang rộng vòng tay bao dung nhân hậu đón lấy bao kẻ tha hương, trong đó có hắn.


PHỤC SINH

Vì Covid19, tuần này gã được ANLON (Work From Home theo ngôn từ Tiếng Việt à, là được Ăn Ngủ Làm Ở Nhà hehe). Bên ngoài trời nóng hầm hập như đổ lửa, gã bấm bụng trốn vào phòng lạnh để làm việc, bất chấp bọn Điên đã âm thầm thay đổi bảng giá từ vài hôm trước mặc dù đang trong cơn đại dịch. Đến giờ nghỉ trưa, theo thói quen gã vớ chiếc kindle paperwhite, đọc tiếp vài chương trong cuốn “Phục Sinh” của Lev Tolstoy để giải trí. Những dòng chữ nhảy múa chập chờn, gã mơ màng thấy mình trở thành công tước Nekhliuzov và đang làm quan bồi thẩm của tòa đại hình xử một vụ án giết người cướp của, bị cáo là nàng Maxlova xinh đẹp.
Nekhliuzov đã chứng kiến một vở bi hài kịch đã diễn ra trước mắt chàng, mà trong đó mình là một kẻ diễn viên. Viên chánh án đến thật sớm, mong vụ án kết thúc nhanh để lão còn có thời gian ghé khách sạn với cô nhân tình đã hẹn trước sau giờ xét xử. Qua lời khai của bị cáo cùng nhân chứng và vật chứng rõ ràng, các quan bồi thẩm đều cho rằng cô nàng Maxlova vô tội, hai kẻ kia đang vu oan cho nàng để tránh tội. Tại đây, Nekhliuzov đã nhận ra Maxlova là nàng thôn nữ trinh nguyên Katiusa mà ngày xưa thuở thanh xuân chàng đã yêu và hái quả ngọt và rồi bỏ rơi nàng, và rồi giờ đây chàng lại nhẫn tâm dự phần tạo ra án oan cho nàng. Giờ đây, một sự ngẫu nhiên kỳ dị đã gợi cho Nekhliuzov nhớ lại tất cả câu chuyện cũ, chàng ghê tởm chính mình và cũng ghê tởm cái tòa đại hình đang diễn kịch trước mắt mình. Chàng nhận ra họ toàn là một lũ hợm hĩnh, ngu dốt, dùng quyền lực của mình để tuyên án nhiều vụ oan sai phục vụ cho nhiều động cơ bất chấp công lý và dư luận. Và cụ thể ở đây, chàng nhận ra rằng vì thói quan liêu, đoàn bồi thẩm chỉ làm việc qua quít cho xong, lời luận tội "Có tội, nhưng không có ý định giết người" của đoàn bồi thẩm đã đẩy nàng Maxlova xinh đẹp vào án oan và bị đày ải khổ sai qua tận xứ Siberia.
Giấc ngủ mơ màng ngắn ngủi chưa kịp để gã công tước Nekhliuzov bất đắc dĩ hoàn thành sứ mệnh trong hành trình giải oan cho nàng người yêu cũ, nguyện nối lại mối lương duyên ngày xưa với nàng và phục sinh đời sống tinh thần của mình nơi nước Chúa, gã lại mơ thấy mình trở lại thành gã công chức quèn làm “thuơ” để sống qua ngày, theo lời vợ dặn chiều tan sở gã tạt qua cô hàng thịt trẻ trung nói em ơi bán cho anh một kí đùi em nhé, đùi em tươi nhưng sao mắc quá, thủ tướng bảo giảm giá rồi mà. Em gái cười qua chiếc khẩu trang mỏng, đôi mắt long lanh trả lời vậy anh lên TV mà mua nhá nhá. Gã vui vẻ móc ví ra chiều cảm thông và ngượng ngịu “ Ờ, mùa covid mà, còn sống là vui rồi, em nhỉ”.
09-05-2020