Thứ Năm, 4 tháng 5, 2023

Nhật ký thành phố

 Một buổi sáng giữa tuần êm ả nắng nóng, tôi và đứa em họ ghé nhà một người bạn thăm chơi và nhờ bạn chở xuống Đồng Nai tham quan kho thủ công mỹ nghệ. Khu vườn ven sông nhà bạn cây cối xanh tươi mát mẻ, hàng rào bằng tre mới được tu sửa trông thật đẹp mắt, gió bên sông thi thoảng thổi vào vườn xua đi cái nóng bức của mùa hè đang đến. Rải rác trong khu vườn là những chậu gốm được sắp đặt thật tinh tế và thẩm mỹ, khu vườn tĩnh lặng bên sông ôm ấp hơi thở nhẹ nhàng của gió, đượm vị thiền của những bậc chân tu, một khu vườn mơ ước của biết bao kẻ tha hương vào thành phố này lập nghiệp. Lộc (tên người em họ của tôi) vừa mới xin nghỉ công ty để tìm một hướng đi mới trong công việc mưu sinh hàng ngày, tôi cũng không biết chắc cú rẽ ấy đúng hay sai nhưng đó là một quyết định dứt khoát hòng giải thoát cái công việc quen thuộc nhàm chán của văn phòng sau mười mấy năm gắn bó. Tôi cũng đang mắc kẹt trong thế giới ấy, không biết khi nào được giải thoát đây, một môi trường ổn định với thu nhập tốt giống như cái bẫy ngọt ngào bào mòn sức khỏe tinh thần ngày qua ngày của biết bao kẻ làm thuê chuyên nghiệp, trong đó có tôi.

H, người bạn mà tôi đang nhắc tới là một chủ doanh nghiệp tư nhân chuyên kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ rất thành công. Triết lý kinh doanh của bạn là hai chữ hiệu quả mà không chạy theo trào lưu mở rộng chuỗi ồ ạt hiện nay. Tôi luôn nhìn vào những suy nghĩ và hành động tích cực của bạn để làm mới tâm trí mình. Ngoài thời gian dành cho việc kinh doanh, H luôn tích cực rèn luyện sức khỏe thể chất và dành nhiều thời gian cho gia đình. Những cú hít xà mạnh mẽ, những bước chạy dẻo dai trên những đường đua maraton khoe vóc dáng cường tráng như trai đôi mươi, hình ảnh tươi trẻ ấy như tiếp thêm động lực cho tôi và những người bạn khác ý chí rèn luyện thể thao hòng tìm lại sức trẻ đang dần xuống dốc của tuổi trung niên.

Con đường từ khu ngoại ô thành phố đến khu công nghiệp có kho xưởng của bạn tấp nập xe cộ, giao thông phức tạp đầy rủi ro, đây là cung đường đi qua ba tỉnh miền Đông (Bình Dương, Đồng Nai và Sài Gòn) sầm uất. Xe lướt êm qua những tòa nhà cao tầng nguy nga, những đại siêu thị, những nhà máy xí nghiệp, những mái nhà cấp bốn lô nhô, những gầm cầu hôi hám có những gã thanh niên hút chích ăn xin lượn lờ. Trên đường về, một tai nạn giao thông chết người hiện ra trước mặt, một chiếc xe máy có lẽ của một người công nhân xấu số bị cuốn vào chiếc xe tải cạnh ngã tư khi bất cẩn rẽ trái vào khu công nghiệp gần đó, cái chết rập rình trên đường mỗi ngày, nhẹ tênh!

Trưa, H sắp xếp một cuộc gặp gỡ nhỏ mà ở đó tôi và Lộc có cơ hội gặp vài người bạn mới và cũ. Đó là anh S và Vỹ, cả hai là kiến trúc sư kiên giảng viên trường Đại học SPKT gần đó; là Hoàng, tôi thấy chức danh là phó tổng giám đốc của một công ty trang trí nội thất trên thẻ nhân viên màu cam mà anh ta đang đeo trên cổ! Rồi đó là N, một nữ doanh nhân chuyên kinh doanh xe tải Nhật; là V, một cô gái tươi trẻ kinh doanh hàng trang trí nội thất nhà hàng khách sạn. Một nhóm nhỏ nhưng nghề nghiệp đa dạng, họ là những người tài năng và trụ vững vàng ở thành phố đầy cạnh tranh phức tạp này. Tôi quan sát và học ở họ sự bản lĩnh, sự sôi nổi của tuổi trẻ. Những đề tài bàn luận nhẹ nhàng vui vẻ  về phong tục đời sống hiện đại, về những mối quan hệ, về kiến trúc. V có giọng nói lôi cuốn chuẩn Hà Nội và có lẽ là mẫu con gái hiện đại tài năng và phóng khoáng. Tôi hầu như lắng nghe các bạn chuyện trò vui vẻ, thi thoảng cũng góp vui vài lời đơn giản. Nhẹ nhàng bình dị thôi, để đời sống cứ trôi.

Rồi chiều buông, nắng gắt vẫn trút vào ban công hướng tây của tầng hai, nơi tôi hay ngồi thư giãn, uống cà phê, nghe nhạc hay đọc vài trang sách. Cuốn Deep Work (tựa Tiếng Việt là làm ra làm chơi ra chơi) thật lôi cuốn của Cal NewPort, một chuyên gia công nghệ thông tin kiêm giảng viên đại học ở Mỹ. Tôi tìm được sự đồng điệu với ông, hẳn rồi, vì tôi đang làm công việc chuyên môn liên quan với nghề của ông. Làm việc chuyên tâm, làm việc sâu, tránh bị ảnh hưởng của những thứ hời hợt khác chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả. Tôi quá quen thuộc với hình ảnh những người nhân viên đa nhiệm ở giới văn phòng, họ trông thật bận rộn làm sao, đó là người tai đeo headphone đang tham gia những cuộc họp Zoom, tay cặp cụi với màn hình Teams chát đang nhấp nháy liên tục, mắt lia qua lia lại trên màn hình với nhiều cửa sổ Email/PowerPoint, thi thoảng lia mắt qua chiếc điện thoại thông minh đang nhấp nháy Zalo/facebook. Ở đây, ông đi ngược với trào lưu kết nối ấy. Tôi cũng là một tín đồ của Thoreau, tác giả cuốn The Walden – Một mình sống trong rừng. đôi khi tôi thấy mình lạc lõng giữa đời sống thành thị xô bồ này, ngày qua ngày trốn vào cái chốn nhỏ riêng tư của mình, phiêu lưu vào thế giới ngôn từ để tìm niềm vui hay gặm nhấm nỗi buồn trong đó, thế là hạnh phúc rồi.

 



 

Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2022

Chủ nghĩa Khắc kỷ và Lối sống tối giản thời công nghệ số

Một bài phỏng vấn tác giả và đồng thời là nhà khoa học máy tính Cal Newport

Nguồn: https://tamlyhoctoipham.com/

Giáo sư khoa học máy tính Cal Newport đã trở thành một trong những người có tiếng nói quan trọng của thế hệ này về cách thức mà chúng ta có thể làm việc thông minh hơn và sâu sắc hơn. Trong cuốn sách mới nhất của ông Digital Minimalism: Choosing A Focused Life In A Noisy World (tựa tiếng Việt mới ra mắt: Lối sống tối giản thời công nghệ số), tác giả của cuốn sách bán chạy Deep Work (tựa tiếng Việt: Làm ra làm, chơi ra chơi) giới thiệu một triết lý cho việc sử dụng công nghệ đã cải thiện cuộc sống của biết bao nhiêu người. Với việc tiêu thụ truyền thông không ngừng gia tăng (mà với phần đông chúng ta, điều đó đồng nghĩa với hạnh phúc và năng suất làm việc tiếp tục đi xuống) và thế giới trở nên ồn ào hơn mỗi ngày, cuốn sách này là một lời kêu gọi hành động khẩn cấp cho bất cứ ai nghiêm túc về việc làm chủ cuộc đời họ. Phong trào tối giản đã thành công trong việc khiến cho hàng triệu người từ bỏ nhiều tài sản mà chúng ta được khuyên là nên thèm khát và thay vào đó tập trung vào một số lượng ít ỏi những thứ mang lại nhiều ý nghĩa và giá trị nhất của cuộc đời chúng ta. 

Hệ tư tưởng tương tự cũng được áp dụng cho đời sống online của chúng ta. Sự lộn xộn trên không gian kỹ thuật số gây ra nhiều căng thẳng. Chúng ta không cần phải liên tục kết nối, hết trang ứng dụng này đến trang ứng dụng khác, cuộn và nhấp chuột không ngừng. Các công nghệ mới có thể cải thiện cuộc sống của chúng ta nếu ta biết cách tận dụng chúng tốt nhất.

Cal cũng là một fan của Chủ nghĩa Khắc kỷ. Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi với Cal, ông giải thích về mối quan tâm của mình và ứng dụng của chủ nghĩa Khắc kỷ, tại sao ý tưởng càng tối giản càng tốt đã được thực hiện từ thời cổ đại, tầm quan trọng của sự cô độc và giải trí chất lượng cao, và còn nhiều nữa. 

***

Anh từng viết về Chủ nghĩa Khắc kỷ vài lần, điều đó rất hợp lý với một giáo sư đại học nhưng lại khá bất ngờ đối với một giáo sư ngành khoa học máy tính. Anh có nhớ về lần đầu tiên mà anh biết đến chủ nghĩa Khắc kỷ là như thế nào không? 

Tôi luôn đọc rộng cả triết học và lịch sử tôn giáo, vì vậy Chủ nghĩa Khắc kỷ có một thời gian từng thu hút được sự chú ý của tôi. Tôi nhớ mình đang đọc cuốn sách A Guide to the Good Life của William Irvine (đây là cuốn mà page dịch có tựa đề: Chủ nghĩa khắc kỷ-Phong cách sống bản lĩnh và bình thản), vào khoảng thời gian mà sách ra mắt. Tôi cũng nhớ Tim Ferriss, trong suốt giai đoạn này đã nói rất nhiều về Seneca.

Tại sao anh cho rằng điều đó cộng hưởng với anh?

Ở cấp độ cao, tôi lúc nào cũng yêu thích mô hình triết học Hy Lạp cổ đại như một nền móng cho hành động. Đây là lý do tại sao trong các cuốn sách của tôi, tôi luôn pha trộn những lời khuyên thực tế với những lý thuyết và những ý tưởng toàn cục phức tạp hơn. Khi tôi lần đầu tiên bắt đầu làm việc theo phong cách kết hợp “self-help thông minh”, gặp phải sự phản đối từ giới xuất bản. Những cuốn sách Self-help được cho là viết theo phong cách bình dân và có ít nội dung trí tuệ, và những cuốn sách tư tưởng được cho là uyên bác và phê bình và không bao giờ làm bẩn thanh danh của bản thân chúng bằng những lời khuyên thực tế. Ranh giới này là nhân tạo. Người Hy Lạp đã nói đúng: động não về những vấn đề liên quan đến cuộc đời anh thì có tác dụng gì nếu nó không trực tiếp giúp ích cho cuộc đời anh? Đây từng là một nguồn cảm hứng lớn cho cách tiếp cận với sách của tôi.   

Ở cấp độ thấp hơn, bản thân chủ nghĩa Khắc kỷ hàm chứa trí tuệ tâm lý to lớn: những suy nghĩ phản ứng, hơn bất kỳ sự kiện thực tế nào, kiểm soát trải nghiệm cuộc sống của chúng ta. Học cách tìm ra sức mạnh và niềm vui trong những thứ mà bạn kiểm soát được thay vì những thứ mà bạn không thể kiểm soát, nghe thì đơn giản nhưng thâm thúy khi hành động.

Anh có một bài viết tuyệt vời về Seneca bàn về điều hoang đường của “tự do” và cách mà phần lớn mọi người không nhận ra những chi phí ngầm của mạng xã hội. Là một người nổi tiếng quyết định không có bất kì tài khoản mạng xã hội nào, anh cảm thấy mình thu được điều gì qua chuyện đó? Hãy cho chúng tôi biết cảm giác đi ngược lại số đông như thế nào. 

Từ Seneca, qua Thoreau, đến Kondo, cái ý tưởng rằng ít hơn có thể là nhiều hơn đã tồn tại trong suốt lịch sử của nền văn minh. Tư tưởng chủ chốt là tập trung nguồn năng lượng hạn chế của bạn vào những thứ mà bạn biết chắc rằng rất giá trị và sẽ đền đáp giá trị tổng thể lớn hơn so với việc tiêu hao nguồn năng lượng này cho nhiều thứ có giá trị thấp hơn trong nỗ lực vô vọng không muốn bỏ lỡ những giá trị vụn vặt ngẫu nhiên.

Tôi không dùng mạng xã hội vì trong cuộc đời tôi với tư cách một nhà văn tôi muốn tập trung năng lượng của mình giống như một tia laze vào một số lượng nhỏ những điều mà tôi đã học được rằng sẽ đền đáp lại cho tôi phần thưởng to lớn: đọc những điều thông minh, viết những bài luận trên blog của tôi để thẩm định ý tưởng và viết sách. 

Tôi chắc chắn là có nhiều giá trị nho nhỏ mà tôi có thể thu được qua việc tham gia với nhóm độc giả của tôi qua Twitter, hoặc quản lý một người cố vấn mạng xã hội thay mặt tôi đăng bài lên Facebook. Nhưng năng lượng đầu tư vào những hoạt động đó là năng lượng bị tước đi khỏi các hoạt động cốt lõi mà tôi biết là tạo ra sự khác biệt trong sự nghiệp viết lách của mình, điều đó có nghĩa là thu nhập “ròng” của tôi có thể sẽ giảm đi.

Nói cụ thể hơn, nếu chúng ta xem xét một giả định mà trong đó nếu tôi là một người dùng mạng xã hội nhiều, có lẽ tôi sẽ có rất nhiều người theo dõi trên Twitter nhưng tổng số sách tôi viết được sẽ ít hơn. Tôi sẽ chọn sách chứ không chọn retweets.

Nếu anh muốn nghe tôi ca cẩm lâu hơn một chút, tôi cũng muốn lưu ý rằng mạng xã hội đang trở nên đặc biệt nguy hiểm đối với những người vừa mới bước chân vào lĩnh vực sáng tạo đầy cạnh tranh. Nó cung cấp cho anh một hoạt động có thể khiến cho bạn cảm thấy mình bận rộn và quan trọng, và như thể anh xuất sắc trên mọi phương diện, mà không thực sự yêu cầu bạn phải nỗ lực quá nhiều với những công việc khó khăn. Nhưng chừng nào còn liên quan đến thị trường thìchỉ những việc khó nhằn mới là quan trọng!

Theo kinh nghiệm của tôi, hầu như trong mọi lĩnh vực mang tính cạnh tranh, chìa khóa then chốt để đạt được thành công và hạnh phúc là tuân theo lời khuyên nổi tiếng của Steve Martin là trở nên giỏi tới mức không ai dám phớt lờ bạn được (Tôi đã viết một cuốn sách về điều này vào năm 2012). Hoặc như Jocko từng nói: bỏ cái điện thoại chết tiệt xuống và làm việc đi!

Cuốn sách mới của anh Lối sống tối giản thời công nghệ số nói về việc cắt giảm thời gian lên mạng của chúng ta, tập trung vào một số ít hoạt động ủng hộ những điều mà chúng ta coi trọng. Một trong những điều mà các triết gia Khắc kỷ thường nói đến là bạn cần dành thời gian cho triết học—và để làm vậy thì quá chừng khó khăn. Có phải anh đã phát hiện thấy lối sống tối giản công nghệ số đang cho con người có nhiều thời gian hơn để đọc, nghĩ và suy ngẫm về những thứ thật sự quan trọng?

Năm ngoái, tôi đã dẫn dắt hơn 1,600 tình nguyện viên trong một thực nghiệm mà họ tránh xa những lựa chọn công nghệ trong đời sống kỹ thuật số của họ để xây dựng lại mối quan hệ với những điều họ thật sự coi trọng. Một trong những thông báo mà tôi thường được nghe nhất từ những tình nguyện viên đó là họ đều thấy bất ngờ và thích thú khi tái khám phá ra họ yêu thích những hoạt động đơn giản nhiều biết bao mà chúng ta từng xem thường, chẳng hạn như từ thư viện về nhà với một chồng sách chọn ngẫu nhiên hay tự tay xây dựng nên một thứ gì đó.

Như anh thấy, những vấn đề này không phải là mới. Cả Seneca và Aristotle đều viết về tầm quan trọng của loại hình giải trí chất lượng cao. Arnold Bennett đã viết hướng dẫn tuyệt vời này vào đầu thế kỷ 20 với tựa đề How to Live on 24 Hours a Day (Cách sống 24 giờ mỗi ngày), mà trong đó ông cho rằng những việc bạn làm trong thời gian rảnh rỗi là nền tảng cho chất lượng cuộc sống của bạn. Ông lập luận rằng bạn nên đọc và ngẫm nghĩ về những điều khó nhằn thay vì ăn uống no say và quanh quẩn bên cây piano (thời Victorian tương đương với việc lướt Twitter).

Một trong những câu của là hãy nghĩ về cái mà chúng ta đang trở thành “nô lệ” cho nó —quả thật hãy chất vấn về bất cứ thứ gì khiến ta bất lực trong việc dừng kiểm tra hay dừng làm hay dừng dành thời gian cho nó. Có phải thực tế là rất khó bỏ mạng xã hội và công nghệ, liệu có bằng chứng gì cho thấy nó nguy hiểm và mang tính thao túng không?

Dường như có 2 lý do chính giải thích tại sao chúng ta dành quá nhiều thời gian nhìn vào màn hình. 

Lý do đầu tiên là một số công cụ—đặc biệt là những nền tảng mạng xã hội lớn—đã thiết kế những trải nghiệm của người dùng để khuyến khích việc sử dụng mạng xã hội mang tính cưỡng bách. Ví dụ như Facebook từng là một nền tảng khá tĩnh. Bạn có thể đăng nhập vào Facebook vài lần một tuần để xem có người bạn nào thay đổi tình trạng mối quan hệ của họ hoặc có ai đăng hình sau một chuyến du lịch hay không. Tuy nhiên khi chúng chuyển sang nền tảng động, Facebook tái cấu trúc trải nghiệm để gửi đi một luồng chỉ báo ủng hộ xã hội phong phú đến người dùng (những cái likes, tag ảnh, những bình luận), pha trộn với với những nội dung được tối ưu hóa theo thuật toán nhằm châm ngòi cảm xúc. Giờ đây thay vì chỉ xem facebook vài lần một tuần, bạn có cảm giác cưỡng bách phải bấm vào biểu tượng chữ f nhỏ xíu đó trên điện thoại 20 lần một giờ. Đây chẳng phải là sự tình cờ—mà nó là chiến lược của các giám đốc điều hành Facebook nhằm tăng chỉ số tương tác của người dùng mà họ cần để được niêm yết IPO.

Nói cách khác: nút “like” không mang lại lợi ích cho bạn, mà thay vào đó nó được giới thiệu vì lợi ích của những nhà đầu tư ban đầu vào Facebook , những người đang kiếm lại lợi nhuận gấp hàng trăm lần so với số vốn họ bỏ ra.

Nguyên nhân khác có vẻ khiến cho mọi người cứ dán mắt vào màn hình là vì nó khỏa lấp nỗi trống trải. Cuộc sống vốn khắc nghiệt. Sự khắc nghiệt này đặc biệt hiển lộ trong suốt những khoảng thời gian nhàn rỗi khi bạn ở một mình với những suy nghĩ của bạn. Con người né tránh những cuộc đối đầu này thông qua sự phân tâm liên tục trên không gian số có chất lượng thấp, giống như cách mà con người ở thời đại khác có thể đối diện với những khó khăn trong cuộc sống bằng cách uống rượu quá độ.

Nhưng đây chỉ là một miếng băng cá nhân cho một vết thương nặng.

Như người xưa đã dạy chúng ta, phản ứng bền vững là dành thời gian rảnh rỗi của bạn cho những chuyện quan trọng. Chịu trách nhiệm nhiều nhất có thể, tìm kiếm chất lượng vì lợi ích của chất lượng (như Aristotle khuyến nghị trong The Ethics), phụng sự cộng đồng của bạn, kết nối với những con người bằng xương bằng thịt ngoài đời thật và hết lòng vì họ.

Tất cả những chuyện này dường như gây nản chí khi so với việc bấm vào “xem tập tiếp theo” trên dòng Netflix của bạn, nhưng một khi bạn dấn thân vào những cuộc truy đuổi sâu sắc đó thì bạn khó mà quay lại với những hình thức giải trí cạn cợt.

Anh cũng đã phổ biến khái niệm “làm việc sâu” này— khả năng ngày càng hiếm hoi để tập trung mà không bị phân tâm vào một nhiệm vụ khó nhọc. Anh nói đây là một kỹ năng có thể huấn luyện được. Anh có lời khuyên gì cho những người muốn cải thiện khả năng làm việc sâu của họ không?

Xóa bất kỳ ứng dụng nào khỏi điện thoại của bạn khi người ta kiếm tiền từ sự chú ý của bạn khi bạn mở ứng dụng đó. Những ứng dụng này ảnh hưởng tới khả năng nhận thức của bạn cũng giống như thức ăn rác ảnh hưởng tới khả năng thể thao của bạn vậy.

Thường xuyên dành thời gian ở trong tình trạng cô độc, ý tôi là “Không tiếp nhận thông tin đầu vào từ những tâm trí khác”: không điện thoại, không tai nghe, không màn hình, không sách —chỉ có bạn và những ý nghĩ của bạn mà thôi. Nếu bạn muốn tư duy tốt, ý tôi là xử lý thông tin và có những hiểu biết sâu sắc, bạn cần luyện tập. (Định nghĩa về sự cô độc này bắt nguồn từ một cuốn sách tuyệt vời có tựa đề Lead Yourself First).

Thực hiện luyện tập xen kẽ: chọn một vấn đề hóc búa; đặt hẹn giờ; suy nghĩ dữ dội về vấn đề mà không hề sao lãng (thậm chí không được liếc nhìn điện thoại) cho đến khi hết giờ. Bắt đầu với một khoảng thời gian ngắn và khi bạn đã thoải mái với khoảng thời gian tập trung đó thì hãy tăng thời gian thêm 10-15 phút.

Một trong những điều mà các nhà Khắc kỷ nói đến là hãy tách ra khỏi kết quả hoặc hiệu quả (ví dụ, chúng ta kiểm soát được thông tin đầu vào của một dự án nào đó, nhưng không kiểm soát được những lời phê bình hay liệu thị trường có đón nhận nó). Anh nghĩ sao về điều này khi nó liên quan đến một chuyện khá căng thẳng và không chắc chắn như một buổi giới thiệu sách?

Một trong những quy tắc của tôi trong các buổi ra mắt sách đó là tôi dốc sức để tung cú đấm đẹp mắt, ý tôi là viết những bài hay nhất mà tôi có thể, hoặc thực hiện những cuộc phỏng vấn thú vị nhất mà tôi có thể trong lúc đó. Nhưng sau khi tung xong cú đấm, ngay lập tức dành sự chú ý của bạn cho việc tiếp theo. Ví dụ, tôi không đọc bình luận hay xem phản ứng trên các trang mạng xã hội về những bài mà tôi viết. Một khi nó nằm ngoài tầm tay của tôi thì tôi muốn chuyển sang việc khác.

Thứ Năm, 17 tháng 3, 2022

Người đàn bà trong cồn cát' và thảm kịch nhân sinh

 

Bài của Mộc Các, Sài thành, tháng 11/2005
Sống, nghĩa là chúng ta thực hiện các cuộc tương thoại. Cuộc tương thoại ấy có thể là tư cách cá nhân với cá nhân, cá nhân với cộng đồng, và ta với ta.

 

“…chén rượu cay,

Một đời tôi uống hoài,

Trả lại từng tin vui

Cho nhân gian chờ đợi…”

Trịnh Công Sơn (1937-2000)

Kiểu tương thoại sau cùng ấy là một nỗ lực chiêm nghiệm suy tư nhằm khơi mào đến những chủ đề sâu rộng và dàn trải ra như: Triết lý là gì? Đời sống là gì?… nói cách khác hơn là chúng ta tìm cách tương thoại giữa tư tưởng và thi tưởng trong sự phân tranh cùng tột của giới hạn ngôn ngữ nhân gian vốn đầy tràn ngộ nhận, và phải đánh liều với hiểm họa tối thượng để nói lên Như Thể. Như thế, cuộc tương thoại này cần phải được đặt ra một cách trang trọng ưu liệt trên những mong manh và phù phiếm của người đời.

Những ngôn từ ấy là của Martin Heidegger. Và như thế, khi chúng ta đọc một tác phẩm văn học, ấy là chúng ta đã bước vào một cuộc tương thoại đặc biệt.

Theo Bakhtin, đối thoại là bản chất của cuộc sống con người “con người tham gia cuộc đối thoại ấy bằng toàn bộ con người mình và toàn bộ cuộc đời mình… Bản Ngã không chết. Cái chết chỉ là sự ra đi. Con người ra đi khi đã nói lời của mình, nhưng bản thân lời nói ấy còn lại mãi mãi trong cuộc hội thoại không bao giờ kết thúc…” 1. Và Bùi Giáng cũng viết: “Em về mấy thế kỷ sau, ngó trăng còn thấy nguyên màu ấy không, ta đi gửi lại đôi dòng, lá rơi có dội lại trong sương mù?”. Nhưng còn hơn thế nữa, khi ta song thoại thì tác phẩm văn học ấy đưa ta vào một cuộc đối thoại kép, một cuộc đối thoại song trùng. Độc giả vừa phải đối thoại với tác giả vừa phải đối thoại với “trường văn hoá” mà tác giả đó hiện diện. Theo Đoàn Văn Chúc, “trường trong trường văn hoá được hiểu tương tự như trường trong vật lý học, là một khu vực trong đó một hiện tượng từ hay điện, hay một hệ thống lực được biểu thị. Từ đấy, một cách ẩn dụ, trường văn hoá là một không gian - dân cư trong đó một hay những sự kiện văn hoá được diễn ra” 2. Và vì thế mà mỗi dân tộc sống ở một không gian cư trú riêng, một loại hình dân cư riêng nên những sự kiện văn hoá và tập tục, cách suy nghĩ của các dân tộc cũng có sự khác biệt. Có giống nhau thì chỉ giống nhau về bản chất những nỗi niềm của thân phận con người, còn cách diễn tả những nỗi niềm ấy thì khác biệt tùy vào từng dân tộc, từng cá nhân con người. Điều này càng rõ rệt hơn khi chúng ta đọc một tác phẩm văn học nước ngoài.

Nhật Bản với vị trí địa lý đặc thù của mình là quần đảo, trong suốt lịch sử dài lâu của mình đã tránh được các cuộc xâm lăng của đế quốc do vị trí địa lý xa xôi nhưng vẫn tiếp thu được trọn vẹn những tinh tuý của văn học và văn hóa Trung Quốc một cách tự nguyện bằng cách gửi người sang du học. Những thành tố ngoại sinh này được kết hợp nhuần nhị với nền văn hóa bản địa quần đảo một cách đặc sắc. Vì thế ngay từ thời kỳ bắt đầu có chữ viết và chủ quyền chính trị, thì Nhật Bản đã tự xây dựng cho mình được một diện mạo văn hoá riêng, với một bản sắc văn học riêng độc đáo, đầy bản lĩnh mà đỉnh cao là tác phẩm Genji monogatari (Nguyên thị vật ngữ) của nữ sĩ Murasaki Shikibu viết vào đầu thời kỳ Heian (794-1192), kể về những mối tình say đắm của chàng Hoàng tử Genji. Rồi sau đó là sự chìm đắm trong “cuộc hành trình nội tại” của bản sắc dân tộc mà theo Kawabata thì dường như “từ thời Heian trở đi văn học Nhật Bản dường như chỉ đi xuống” trong khói lửa và nội chiến. Từ lúc ấy, văn học Nhật Bản cứ mãi đợi chờ một luồng gió mới.

Phải đến thời Edo (1604-1867), khi chính quyền Mạc phủ của Ieyasu bắt đầu mở cửa buôn bán với các nước Hà Lan, Bồ Đào Nha và Anh thì một làn gió mới manh nha cho nền văn học Nhật Bản. Làn gió văn học phong tình nổi lên với Ihara Saikaku qua những tác phẩm Chàng trai đa tình (Koshoku ichidai otoko - Hiếu sắc nhất đại nam), Cô gái đa tình (Koshoku ichidai onna - Hiếu sắc nhất đại nữ), Năm cô gái si tình (Koshoku gonin onna - Hiếu sắc ngũ nhân nữ)… Làn gió tươi mát của bờ cõi Hoa nghiêm với những vần thơ Thiền trong sáng của Matsuo Basho, mà đỉnh cao là Con đường sâu thẳm (Oku no hosoi michi - Aùo chi tế đạo)…

Nhưng phải chờ đến thời Minh Trị (1868-1911) cùng với những cải cách duy tân của Thiên Hoàng Minh Trị, thì mới là “thời đã đến” của văn học Nhật Bản. Ngọn gió văn chương hiu hắt được thổi bùng lên và bay phần phật trong tâm tư những con người dấn thân làm văn nghệ. Từ Mori Ogai, Shimazaki Toson rồi đỉnh cao là Natsume Soseki, văn học hiện đại của Nhật Bản đã thức tỉnh và sải những bước dài sau đó qua các thời Đại Chính (Taisho) (1912-1925), Chiêu Hoà (Showa) (1926-1989) qua những tên tuổi lẫy lừng như Akutagawa Ryunosuke, Yokomitsu Riichi, Kawabata Yasunari. Văn hào Kawabata đã đưa Nhật Bản bước thẳng lên văn đàn quốc tế với giải thưởng Nobel văn học năm 1968. Và chỉ sau đó hai mươi sáu năm bước chân của Kawabata lại được tiếp nối bởi Oe Kenzaburo, người nhận giải Nobel văn học thứ hai cho nền văn học hiện đại Nhật Bản vào năm 1994. Đó là “thời đã mãn” cho nền văn học phương Đông trầm mặc và kiêu hùng này.

Những bước chân tuy âm thầm mà vang dội ấy của nền văn học hiện đại Nhật Bản đã làm kinh ngạc cả thế giới. Những nhà nghiên cứu bắt đầu triệt để tìm hiểu “sức mạnh vượt trội” của nền văn học Nhật Bản và họ đã tái “phám phá” ra những tên tuổi khác như Mishima Yukio, Tanizaki Junichiro, Murakami Haruki, Yoshimoto Banana… Và trong số đó có một tên tuổi mà đến bây giờ người ta vẫn còn nhắc nhở đến vì những bài học nhân văn thể hiện trong nhiều tác phẩm mang tính biểu tượng cao độ. Đó chính là Abe Kobo. Nói như Nietzsche “con người chết đi là để trở thành bất tử” thì đúng là thời gian qua đi càng làm cho tên tuổi Abe Kobo ngày càng trở nên chói sáng rạng rỡ huy hoàng.

Abe Kobo, nhà văn Nhật Bản, sinh năm 1924 tại Tokyo và mất năm 1993. Ông tốt nghiệp đại học Tokyo, chuyên ngành y khoa. Tác phẩm của ông có tiếng vang lớn trên trường quốc tế. Abe Kobo thường miêu tả nỗi bất an xao xuyến của thân phận con người, với phong cách siêu hiện thực (chougenjitsu). Những tác phẩm lớn của ông có thể kể đến là Người đàn bà trong cồn cát (Suna no Onna), Bức tường (Kabe), Gương mặt tha nhân (Tanin no kao), Con thuyền Sakura… Năm 1951 (Chiêu Hòa thứ 26), tác phẩm Bức tường (Kabe) của ông nhận được giải thưởng văn học Akutagawa. Tác phẩm Người đàn bà trong cồn cát (Suna no onna) in năm 1962, nhận được giải “Yomiuri Bungakushou” (Độc mãi văn học thưởng) và giải thưởng cao nhất của Pháp dành cho tác phẩm nước ngoài. Truyện của Abe Kobo ngập tràn các biểu tượng và ẩn dụ. Ngay cả từ những tiêu đề tác phẩm, chúng ta cũng có thể thấy rõ điều đó.

Trong số những nhà văn hiện đại Nhật Bản thì Abe Kobo và Murakami Haruki có sở trường dùng cách biểu tượng một cách nhuần nhị để diễn đạt tự tưởng của mình.

Và chúng ta hãy cùng khám phá một tác phẩm lớn quan trọng của Abe Kobo là Người đàn bà trong cồn cát. Bằng cách tương chiếu giữa Heidegger và Abe Kobo, chúng tôi cố gắng làm sáng tỏ tư tưởng chính yếu của tác gia này trong việc đào sâu suy tư đến mức trầm tích sâu nhất có thể nhằm tát cạn một tư tưởng chung cuối cùng mang tính phổ quát nhất của tác phẩm.

Câu truyện nói về Niki Jinpei, một nhà côn trùng học, trong lúc đi tìm một mẫu côn trùng đã lạc bước vào xứ cát. Người ta đưa anh xuống hố cát qua đêm cùng với một người nữ. Sáng ra người ta rút mất thang dây. Và Jinpei tuyệt vọng, nỗ lực tìm cách vượt thoát. Và một lần anh đã suýt vượt thành công. Sau khi bị bắt lại, anh làm việc một cách vô hồn, và chỉ tìm vui khi phát kiến ra cái bẫy nước. Anh cùng với người nữ yêu thương nhau, tìm vui trong lao động để mua một chiếc radio, một chiếc gương soi. Sau cùng người phụ nữ có thai ngoài tử cung phải đưa đi cấp cứu. Jinpei trong thế lưỡng khả giữa vượt thoát và ở lại, đã chấp thuận nhận xứ cát này làm quê hương…

Truyện chỉ có vậy. Nhưng chỉ có vậy là thế nào? Những tình tiết đơn giản mở ngỏ ra vô vàn các khả năng. Có một sự tương hợp lạ kỳ giữa tư tưởng của Abe Kobo gửi gắm qua tác phẩm với tiến trình suy tưởng của Heidegger. Khi nhận thấy điều đó, thoạt đầu chúng tôi kinh hoảng nhưng sau khi bớt choáng váng, chúng tôi quyết định đặt hai tác gia này trong một cuộc tương thoại khả năng. Có thể đây là một hành động liều lĩnh và dại dột nữa. Nhưng như chúng tôi đã nói, nếu triệt để suy tư, chúng ta sẽ thấy cuộc tương thoại này mở ngỏ ra vô vàn các khả năng mà tự chúng soi chiếu lẫn nhau trong các bước đi uyển chuyển của tư duy triệt để…

Thoạt kỳ thủy là như thế. Con người là một hữu thể bị quăng ném vào cõi nhân sinh. Đó là khởi điểm suy tư của Heidegger. Và đó cũng là quang cảnh mở đầu câu truyện Người đàn bà trong cồn cát 3 của Abe Kobo. Niki Junpei, người mà đến cuối truyện chúng ta mới biết tên qua thông báo tin mất tích của Tòa án Nội Vụ, chợt bị quăng ném vào một hố cát - hố thẳm vực sâu của vùng vẫy cưỡng kháng ở khoảng giữa chấp nhận và chối từ, một chốn ngụ cư của Hữu - tại - thế và Hữu - quy - tử. Thoạt đầu anh rất ngạc nhiên, và chỉ có mình anh là ngạc nhiên thôi, mọi người khác thì bình thản. Chúng ta cần phải nhớ rằng ngạc nhiên chính là khởi điểm của suy tư. Sự ngạc nhiên xô đẩy Jinpei tìm hiểu vấn nạn mình đang mắc phải. Và điều đầu tiên anh tìm thấy chính là sự phi lý của thân phận, của hiện tại. Anh không biết tại sao mình bị bỏ rơi ở chốn này, anh không không hiểu tại sao người khác cứ mặc nhiên chấp nhận hoàn cảnh bỏ rơi này mà không hề ngạc nhiên, không hề tức giận, để vẫn tồn tại hồn nhiên như cỏ cây. Sự hiểu biết thoạt tiên sẽ đưa đến niềm tuyệt vọng và cùng với nó là sự kiếm tìm giải pháp giải thoát. Sự hiểu biết, do đó, đã gợi mở ra một con đường… “Đường về thơ giắt sau lưng, biết rằng tài mệnh đi chung một đường…”. Dĩ nhiên khi chúng ta gọi tên và dàn bày phơi mở thể tính của con đường thì cùng lúc ấy “đường” vừa là khởi điểm và “đường” cũng sẽ là chung cục, tức là con đường sẽ cùng lúc vừa ở phía trước vừa ở phía sau ta. Con người sẽ rơi vào một tình huống lưỡng khả: đi về trước có thể sẽ bị rớt lại đằng sau và đi thụt lùi dọ dẫm thì có khả năng tiến về trước để triển nở thân phận và kiện toàn nhân vị. Cho nên khi chuẩn bị kêu gọi khởi sự lên đường mà nghe như hàm hồ nghịch nghĩa “còn không một bận quay về, đường xưa có ánh trăng thề vàng gieo” (Bùi Giáng) là vì lẽ ấy. Cái đó là cái mà Husserl gọi là “dẫn thoái”. Và điều đó là cho kẻ khởi sự lên đường nhiều khi phải hoang mang “Tình buồn ngồi khóc lìa tan, ta buồn từ thuở hoang mang lối về, đời như nhạn lạc đáy khe, bay lên bay xuống vẫn nghe lưng chừng…” (Hoàng Long).

Bắt đầu từ đó, con người, ở đây là Jinpei, mới thành tâm suy tư và tìm kiếm qua những hành động có thể tái ban phát cho đời mình một ý nghĩa sống, để tìm kiếm lại chính mình. “Tìm thấy ta rồi, sằng sặc cười, nước mắt cả một đời, thành một dòng hư ảo, thế thôi?” (Hoàng Hưng).

Và cái vấn nạn mà Abe Kobo đặt ra và khai triển qua nhân vật Jinpei liệu có giúp chúng ta đào sâu và tát cạn hết ý nghĩa của tình thế để làm hành trang vào đời giữa lòng nhân loại hôm nay?

Hành động then chốt của Jinpei sau một lần vượt thoát không thành đó là chấp nhận cư ngụ với hiện tại ở chốn này. Anh phải chấp nhận nơi lưu đày này làm chốn an cư. Đó là điều mà Heidegger cũng nói tới. Con người không biết vì sao mình bị bỏ rơi tại thế giới này và không biết mình sẽ đi về đâu, nên thế giới lưu đày này cũng đồng thời là chốn an cư. Nhưng con người phải tìm lại cho mình một ý nghĩa sống. Theo Heidegger, vì lẽ đó mà con người khởi sự suy tư. Còn Abe Kobo cho Jinpei tựu thành thể tính con người qua việc sáng chế ra cái bẫy nước giữa vùng hoang mạc. Đó là hành động căn để, mang tính then chốt của tác phẩm. Hành động này cần được soi sáng trong chính nó. Vũ Quần Phương, khi viết bài tựa cho bản dịch Việt ngữ, cũng đã nhận thấy điều này, nhưng chúng ta thật ngạc nhiên khi thấy ông phân tích xiết bao hời hợt về hành động cốt tử đó. Mượn cách nói của triết gia V. Soloviev thì ông "đã “bơi nông” một cách đáng kinh ngạc”. Vũ Quần Phương viết: “Anh (tức Jinpei) nấn ná ở lại chính vì cái bẫy nước. Anh đã phát hiện ra cách lấy nước giữa vùng khô khát này. Anh phải trao lại cái phát minh đó cho một ai đó. Cái phát minh đó, ác thay, chỉ có ý nghĩa với dân sở tại. Trước kia, anh chạy trốn họ, bây giờ anh đợi gặp họ. Tất cả sự thâm thúy của cuốn truyện nằm ở chi tiết này" 4.

Nếu sự “thâm thuý” của câu truyện này chỉ có thế thì còn gì là Abe Kobo? Chúng tôi có cảm giác như Vũ Quần Phương lấy xẻng đâm vài nhát xuống bề mặt tác phẩm rồi kết luận “thật là thâm thuý”, và chẳng cần bậm tâm đến việc đào sâu và tát cạn ý nghĩa tác phẩm của mình đã “cạn” như thế nào cả. Xin thưa rằng việc phát minh ra cái bẫy nước không phải là cớ để Jinpei ở lại chốn lưu đày chờ dân sở tại đến để “trao truyền y bát” mà hành động đó chỉ có ý nghĩa lớn với riêng Jinpei, và chỉ có Jinpei mà thôi. Dân sở tại không cần biết đến điều đó. Jinpei đã tìm kiếm lại được thể tính con người qua hành động phát minh, đưa phẩm giá con người lên một chiều kích nhân bản cao nhất. Sáng tạo, tư duy và phát minh là để tồn tại, là ban cho đời người một ý nghĩa sống. Và trong việc chọn lựa ý nghĩa ấy, con người đạt đến một chiều kích hoàn toàn tự do (mà yếu tính của chân lý là tự do và tự do là một đặc tính của con người. Heidegger nói thế 5). Tự do ấy không phải từ trên trời rơi xuống mà phải được và chỉ được tựu thành thông qua hành động của con người. Rồi nhịp tự do ấy, may chăng sẽ nối kết một nhịp cầu tương giao vốn đã từng gãy đổ nhiều phen với cuộc sống này trong suốt chiều dài thế kỷ đau thương. Hành động phát minh sáng tạo là lời khẳng nhận quyết liệt của con người nhận chốn lưu đày này làm quê hương đích thực. Bởi thế mà Goethe đã cho Faust dịch câu mở đầu của Thánh Kinh “Khởi thủy là lời” thành “Khởi thủy là hành động”. Phải hành động, hành động quyết liệt, hành động triệt để.

Nói như một lời quyết liệt của Albert Camus “Vì muốn làm người nên chối từ làm thần thánh”. Sáng tạo là chiến thắng của con người trước nghịch cảnh đau thương của tự nhiên và của giới hạn trong vòng da máu của thân xác vật. Nên cuối cùng, Jinpei ở lại hố cát, dù có cơ hội thoát đi. Anh nhủ thầm chờ đến lần sau sẽ thoát. Nhưng chúng ta ai cũng biết rằng sẽ không có lần sau nào nữa. Jinpei đã qua cái bẫy nước đã làm lễ tuyên thệ kết hôn với đời sống này, với hy vọng vào một niềm tin mai hậu của chiến thắng con người. Thế là quá đủ cho một kiếp sống hoang vu và nhỏ bé giữa lòng hố thẳm nhân gian. Sự tự thắng vượt đó còn hướng con người đến một chiều kích siêu việt khác nữa. Con người được thanh tẩy để đạt chiều kích nhân bản cao nhất, gột rửa dần tính thô lậu của thân xác vật để vươn lên nhân tính trong huy hoàng và rực rỡ. Đó chẳng phải là niềm vui sướng tột đỉnh của kiếp người hay sao?

Thế nhưng tại sao tên của Jinpei không được nhắc tới ở tiêu đề truyện? Tại sao là Người đàn bà trong cồn cát mà không phải là “người đàn ông trong cồn cát”? Tại sao là “Suna no onna” mà không phải là “Suna no otoko”? Đó là một ẩn ngữ nữa của Abe Kobo. Ta cần phải hiểu rằng hình ảnh người đàn bà chính là hình ảnh của đời sống. Chị chính là hình ảnh của một đời sống tối trầm lặng. Tự cuộc sống không có một ý nghĩa nào cả. Ta phải đánh thức cuộc sống bằng những hành động có ý nghĩa của cuộc đời ta. Và chính qua những hành động đánh thức ấy, con người ta triển nở toàn vẹn. Tại sao cuối cùng lại có hình ảnh người phụ nữ chửa ngoài dạ con. Cái thai đã thành hình nhưng chưa thành dạng nhân tính. Chúng chỉ cần so sánh với tác phẩm Faust của Goeth là ý nghĩa này ngay lập tức sáng tỏ chói rạng trước mắt ta. Tại sao đứa con của Faust và nàng Helena lại cũng chết yểu? Bởi vì chúng ta còn lưỡng lự chưa dám dấn thân thực sự để kết hôn với đời sống. Jinpei chưa thực sự chấp nhận cuộc sống. Chấp nhận của Jinpei mới chỉ là nửa vời. Anh vẫn nuôi ý định vượt thoát vào một ngày nào đó.

Có một sự trùng lặp nào ngẫu nhiên ở đây không khi Jinpei vừa được dạo bước bên ngoài hố cát thì trên chiếc xe cứu thương người phụ nữ đang quằn quại vì đau đớn. Dĩ nhiên với một bậc thầy như Abe Kobo thì chẳng có ngẫu nhiên nào ở đây cả. Chi tiết này hẳn phải có dụng ý gì chứ. Câu trả lời hẳn nhiên là khi anh vẫn còn có ý ly khai với cuộc sống thì những hoa trái mà anh thu lượm tích cóp bao năm và những nhịp cầu tương giao bấy lâu anh tạo dựng bỗng chốc sẽ phải gãy đổ tan tành. Anh phải dấn thân toàn vẹn, phải ngỏ lời giao ước quyết liệt với cuộc sống bằng một cái thân xác này trăm năm. Jinpei chế tạo được cái bẫy nước để tìm lại mình và ban cho đời mình một ý nghĩa sống thì người phụ nữ có thai. Jinpei nuôi ý định vượt thoát và thực sự đã dạo bước ngoài hố cát thì người phụ nữ quằn quại hư thai. Còn ẩn dụ nào rõ ràng hơn thế nữa? Các biểu tượng tự tương chiếu soi sáng lẫn nhau lấp lánh khôn hàn như thế mà sao một người như Vũ Quần Phương lại không cần biết tới và cứ tự huyễn hoặc rằng mình đã đào sâu đến mức trầm tích cuối cùng. Cùng hội cùng thuyền văn chương với nhau “đôi lứa bên trời chung lận đận” như thế mà còn ngộ nhận nhau một cách tàn khốc như thế thì trách làm sao ta không than một lời của Khổng Tử cho được: “Cây lương mộc có lẽ đổ chăng? Người quân tử có lẽ nguy chăng?”. Và làm sao mà người quân tử không gửi tấm lòng u uất của mình vào cỏ cây, và để trên trán mình khắc ghi những ngọn sóng bạc đầu?

Và khi ta hiểu được tình tiết trang trọng ưu liệt của việc khám phá ra cái bẫy nước của Jinpei, thì tác phẩm vụt trở nên rực rỡ trong một giản đơn tính bùng sáng. Và ta sẽ hiểu truyện này có một liên hệ tam giác giữa Jinpei, cái bẫy nước và người đàn bà. Đó là mối liên hệ thiết thân giữa con người và cuộc sống. Bằng chính cái bẫy nước, Jinpei đã tuyên thệ hứa hôn với đời sống, vui vẻ xây dựng một đời sống an cư giữa chốn đọa đày. Cái bẫy nước chính là sợi dây siết chặt Jinpei vào người đàn bà. Và như thế, người đàn bà đã níu kéo được Jinpei. Và như thế Jinpei đã níu kéo được chính mình. Và như thế, con người (qua hình tượng Jinpei) không còn tìm cách chạy trốn khỏi cuộc sống (qua biểu tượng người đàn bà) và hoàn cảnh (qua biểu tượng hố cát), mà tìm cách chung sống với chính nó, bằng chính khả năng của mình, bằng chính sự chấp nhận của mình đầy can đảm.

Và đến đây, ta có thể nói rằng “truyện chỉ có thế thôi”. Một câu kết luận nhẹ tựa lông hồng mà để đi đến đó chúng ta phải mệt mỏi trèo qua bao nhiêu ngọn núi của tư duy. Đó mới chính là cốt tủy của những lời nhẹ nhàng mà trầm trọng sau đây của Tô Đông Pha: “Lô sơn yên tỏa Chiết Giang triều, vị đáo bình sinh hận bất tiêu, đáo đắc bản lai vô biệt sự, Lô Sơn yên tỏa Chiết Giang triều”.

Vâng, vẫn là “khói tỏa Lô Sơn sóng Chiết Giang” thôi. Vâng, và hiện tượng lúc nào cũng như nhau thôi. Chỉ có bản chất, tâm thế giờ đây đã đổi khác. Và ai đã qua mấy dặm “đoạn trường”, thì mới biết con đường đến được một bến bờ cũng thật sự trầm kha?

 

Người đọc sẽ trách cứ người viết là tại sao phải dùng Martin Heidegger để soi chiếu với Abe Kobo. Thưa rằng từ Abe Kobo đến Oe Kenzaburo đều trải qua những tháng năm của chiến tranh thế giới thứ hai nên dễ dàng thấm thía vị cay đắng giòn mỏng của thân phận con người trong guồng quay của lịch sử. Và vì thế mà trong tác phẩm của mình, họ xoáy sâu vào sự hiện sinh của con người là điều tất nhiên thôi.

Một thiền sư Trung Hoa đã có một nhận xét thoạt nghe qua thấy rất hàm hồ “Thiên hạ bảo Quách Tượng chú giải Trang Chu. Riêng ta lại cho rằng Trang Chu chú giải cho Quách Tượng” 6. Mượn cách nói ấy, ta cũng có thể bảo rằng “dường như không phải Abe Kobo chú giải Heidegger mà chính Heidegger chú giải cho Abe Kobo vậy…”. Một cách nói thật hàm hồ.

Nhưng ngẫm cho kỹ, cách nói ấy hàm hồ thật chăng? Ta không biết chắc. “Nhân gian tận kiến thiên sơn hiểu, thùy thính cô viên đề xứ thâm?” (Tuệ Trung Thượng Sĩ). (Nhân gian đều thấy nghìn non sáng, ai lắng nghe ra tiếng vượn trầm?”). Câu nói xa vắng này có gợi mở một khải thị nào chăng? 

Ta chỉ biết rằng qua cách nói tưởng chừng như hàm hỗn song trùng nhị bội ấy có nói lên một điều là tuy văn chương và triết lý cư ngụ trên những đỉnh núi tách biệt hẳn nhau nhưng đều quy nhìn về một hướng duy nhất. Hướng đích nền tảng ấy mang tên Thân - Phận - Con - Người.

Mộc Các, Sài thành, tháng 11/2005

--------------

Chú thích:

1 : Trích dẫn theo Phạm Vĩnh Cư, M. Bakhtin, Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, tái bản 2003, Lời nói đầu, trang 13.  

2 : Đoàn Văn Chúc, Văn hoá học, NXB Lao động, Hà Nội, 2004, trang 339. 

3 : Người đàn bà trong cồn cát, Abe Kobo, Bản dịch của Vũ Tuấn Khanh và Giang Hà Vị, NXB Văn học, Hà Nội, tái bản 1999. 

4 : Sđd, trang 211. 

5 : Martin Heidegger, Về yếu tính của chân lý, bản dịch của Trần Công Tiến, Ca dao xuất bản, Sài Gòn, 1975, xin xem từ trang 29 đến 32, phân đoạn “nền tảng của sự khả thể hoá một thích đáng tính”.

6 : Trích dẫn theo Phùng Hữu Lan, Đại cương triết học sử Trung Quốc, Bản dịch của Nguyễn Văn Dương, NXB Thanh niên, tái bản 1999, trang 30. 

 

Thứ Ba, 4 tháng 1, 2022

Ba cấp độ của sự học

 Nguyễn Khánh Trung

(Tia Sáng)

Học là một quá trình thụ đắc, chuyển đổi, thiết lập quan niệm mới, là bước đi trên con đường truy tìm chân lý với nhiều cấp độ. Mọi cá nhân và mọi quốc gia đều phải đi trên con đường này. Thế nhưng, cũng như trên những con đường khác, có người đi trước kẻ đi sau; có quốc gia tiến bộ và có những quốc gia lạc hậu. Theo Giordan Andre (2016), chúng ta có thể phân ra ba cấp độ của con đường học tập này.


Cấp độ sơ đẳng nhất nhưng lại phổ biến nhất trong trường học hiện nay xem hành động học như là hành động thâu nhận thông tin. 

Cấp độ 1: truyền tải - thâu nhận

Đây là cấp độ sơ đẳng nhất nhưng lại phổ biến nhất trong trường học hiện nay, đó là xem hành động học như là hành động thâu nhận thông tin. Giáo viên làm công việc truyền tải kiến thức, cung cấp thông tin, học sinh được thông tin một chiều từ giáo viên, từ sách giáo khoa, hay từ các nguồn khác trong khuôn khổ học đường.  

Mô hình truyền tải này có thể mang lại cho người học một số kiến thức, những điều mà học sinh hiểu, thấy đúng, thấy phù hợp với quan niệm của mình. Nghĩa là sự thâu nhận này kèm theo một số điều kiện: thứ nhất, người học phải có khả năng giải mã kiến thức, tức là khả năng hiểu ý nghĩa của kiến thức đó; thứ hai, kiến thức đó phải phù hợp với quan niệm sẵn có vốn đóng vai trò như bộ lọc của anh ta; và thứ ba, người học đang quan tâm về kiến thức đó hay về mảng kiến thức đó bởi chúng liên quan đến những lợi ích, đụng chạm đến những chờ đợi của anh ta. 

Hành động này cũng giống như việc chúng ta được thông tin từ việc đọc báo hay xem truyền hình, chúng ta có thể nhận được một số thông tin mới có giá trị, chúng mở rộng sự hiểu biết của chúng ta. Chẳng hạn, chúng ta nghe tin về sự xuất hiện của một biến thể mới của Covid 19 đang hoành hành, tên là Omicron được phát hiện tại Nam Phi. Đây là một điều mới, chúng ta thâu nhận thông tin này vì chúng ta đã hiểu về Covid 19 là gì, hiểu về biến thể là gì và Nam Phi nằm ở đâu trên địa cầu. Hơn nữa chúng ta đang quan tâm theo dõi đề tài này, bởi nó liên quan đến cuộc sống và cả sự sống của chính chúng ta. 

Thế nhưng hãy hình dung, với một người không hiểu, chưa bao giờ biết đến Covid 19, cũng không có ý niệm gì về thuật ngữ biến thể hay quốc gia Nam Phi xa xôi, thì anh ta không thể giải mã thông tin thời sự đó. Hay nếu anh ta hiểu ý nghĩa của thông tin, nhưng không hề quan tâm vì thông tin không liên quan gì đến anh ta, thì thông tin đó không có chỗ trong trí nhớ lâu dài, hay chỉ lưu lại trên bề mặt của não bộ của anh ta trong một thời gian ngắn. 

Bởi lẽ, cá nhân nhìn nhận các vấn đề, các sự kiện được thông tin thông qua những gì anh ta có, thông qua những gì anh ta là, chứ kiến thức bên ngoài không đến với người học theo một đường thẳng “khách quan” như cách của một máy ghi hình. Học sinh không bao giờ ở trong tình trạng của một “tờ giấy trắng” và giáo viên có thể ghi lên đó những gì giáo viên muốn, nhưng luôn là chủ thể, là tác giả của những gì em ấy thâu nhận được, do đó học là một quá trình thụ đắc mang tính cá nhân và mang tính phức hợp.

Nếu trong một lớp học, tất cả học sinh đều có nền tảng tốt như nhau, có một quan niệm giống nhau liên quan đến kiến thức mà giáo viên chuyển tải và có một thái độ sẵn sàng đón nhận kiến thức mới, thì giáo viên chỉ cần “trình chiếu” các kiến thức này một cách bài bản là đủ, học sinh nắm bắt và lưu chúng lại trong trí nhớ. Thế nhưng đời không như mơ, trên thực tế, một lớp học đồng đều như thế dường như không hiện hữu, kể cả các “lớp tài năng”, bởi lẽ mỗi người học là một chủ thể duy biệt xét trên tất cả các mặt. 

Còn nếu việc giảng dạy chỉ đơn thuần là hành động cung cấp thông tin, kiến thức cho số đông học sinh mặc kệ tính duy biệt nơi từng học sinh như trong các trường học hiện nay, thì giáo viên ngày nay nhìn chung, không thể cạnh tranh với các phương tiện truyền thông xét về mặt kỹ thuật, thậm chí không thể cạnh tranh được với youtube cá nhân.


Nhà trường cần trang bị cho học sinh khả năng biện luận, tư duy phân tích từ tấm bé. Trong ảnh: Một buổi học về lòng đồng cảm theo phương pháp Cánh Buồm ở CLB Ô Xinh. Ảnh của nhóm Cánh Buồm. 

Do đó, điều phổ biến xảy ra là học trò “trả chữ cho thầy” sau khi học, những kiến thức chỉ được lưu lại ở bề mặt não bộ sẽ sớm bốc hơi. Một số nghiên cứu đã chỉ ra, người xem chỉ nhớ tầm 5% lượng thông tin sau khi xem một chương trình thời sự của đài truyền hình trong một thời gian ngắn (Giordan, 2016, tr 39).  Xét về mặt kỹ thuật, các thông tin trong một chương trình thời sự thường được sắp xếp bài bản bởi biên tập viên với sự góp phần của các kỹ thuật viên về âm thanh, ánh sáng, các cảnh quay được thay đổi liên tục để làm tăng tính hấp dẫn, lôi cuốn người xem, nhưng kết quả của nó vẫn khiêm tốn như thế, trong khi các giáo viên làm công việc truyền tải tương tự một mình với máy chiếu, phấn trắng và bảng đen, thì việc học sinh trả chữ cho thầy cũng là điều dễ hiểu! 

Thế nhưng trường học, đặc biệt là trường học tại Việt Nam vẫn đang miệt mài làm công việc truyền tải kiến thức kiểu như thế.

Cấp độ 2: học chủ động

Người học tích cực hơn, muốn mở rộng sự hiểu biết liên quan đến điều mình đang học. Sinh viên học về một lý thuyết, thì không dừng lại ở sự hiểu biết về lý thuyết cụ thể đó, mà còn mở rộng tìm hiểu lịch sử phát triển, các nguồn ảnh hưởng, sinh viên biết ứng dụng lý thuyết đó để làm các bài tập, biết giải thích một số tình huống liên quan xảy ra trong đời sống thường nhật từ lăng kính của lý thuyết đó. Nói tóm lại, người học không chỉ giải mã được kiến thức và còn biết vận dụng chúng.

Học với một thái độ chủ động như thế là một cách tốt để thụ đắc kiến thức. Edgar Dale, tác giả của tháp học nổi tiếng (pyramid of learning) đã cho rằng người học có thể nhớ tới 90% những gì họ làm.

Trong  thực tế giảng dạy, tuy hiếm hoi, nhưng vẫn có những học sinh, sinh viên học với thái độ chủ động và tích cực như thế. Những kiến thức họ nhớ được thông qua làm, vận dụng sẽ ở lại lâu hơn trong vốn văn hóa mà họ sở đắc. 

Thế nhưng nếu các lý thuyết, các kiến thức mà người học thụ đắc đã bị vượt qua, hay với thời gian đã tỏ ra bất cập, lạc hậu thì sao? Bởi lẽ, không có lý thuyết hay quan niệm nào đúng tuyệt đối, tồn tại vĩnh viễn và có giá trị khắp nơi, kể cả các lý thuyết trong khoa học tự nhiên. Lịch sử khoa học đã chứng minh điều đó, các lý thuyết khoa học ra đời, xâm nhập, phổ biến và bị vượt qua, bị đánh đổ bởi các lý thuyết khác ra đời sau đó.

Các lý thuyết, các kiến thức chúng ta đang có, đang học là những gì đã có sẵn, với thời gian, nó có thể trở nên giáo điều, lạc hậu, có thể trở thành vật cản trở ngáng đường trên hành trình đi tìm “chân lý” của chúng ta. Bởi lẽ, khi chúng ta thực sự thụ đắc được một kiến thức, kiến thức đó sẽ là một phần trong quan niệm (conception) của chúng ta, và đến lượt, quan niệm này trở thành bộ lọc, trở thành căn chuẩn để chúng ta nhận định, phán đoán trước những thực tế khác, và trong nhiều trường hợp, chúng ta từ chối các kiến thức mới chỉ vì những điều mới này không phù hợp hay đe dọa đến sự ổn định của não trạng có sẵn của chúng ta. 

Học là một quá trình chuyển đổi quan niệm, hành trình biến đổi được ví như một sự “lột xác” về mặt tư tưởng, chứ không chỉ là chuyện thâu nhận những gì có sẵn và chỉ dừng lại trong nguyên trạng đã có. 

Cấp độ 3: Học, một sự lột xác

Đây là cấp độ quan trọng và cao nhất của sự học. Giáo sư Giordan đã sử dụng khái niệm “lột xác” (metamorphose) để mô tả sự biến đổi trong quan niệm và nhận thức của người học. Học, đồng nghĩa với một sự lột bỏ cái cũ và thụ đắc cái mới. Người học không chỉ dừng lại ở sự thụ đắc các kiến thức và biết cách vận dụng chúng, mà còn phải nhận diện những hạn chế của những gì bản thân đã thụ đắc, đã vận dụng và có khả năng tinh chỉnh, hoặc thay đổi khi những điều này tỏ ra không còn phù hợp với các thực tế và tình huống mới.

Sự lột xác này nơi cá nhân cũng như một xã hội không phải là vấn đề đơn giản bởi nó đụng chạm đến cuộc sống, đụng đến niềm tin, đến thói quen và cả đến vùng “an toàn” của cá nhân và xã hội. Hãy hình dung, chúng ta đã có một thế giới quan, một lý tưởng đẹp, mà chúng ta đã tin yêu, thậm chí là đã thề thốt, chúng ta đã dấn thân phục vụ cho quan niệm đó trong nhiều năm, nhưng rồi một ngày nào đó, chúng ta nhận ra nó sai, lạc hậu, niềm tin bị sụp đổ, những nỗ lực thực hiện được bỗng dưng trở thành vô nghĩa ! Người học dĩ nhiên là sẽ đau khổ, sẽ bị khủng hoảng, nhiều người không thể vượt qua, và như một cách phòng vệ, họ ra sức bảo vệ hiện trạng, bảo vệ quan niệm cũ, tìm cách ẩn mình trong các giá trị cũ…

Tuy vậy, vẫn có những người bứt phá vươn lên, lột bỏ quan niệm cũ, vượt lên khỏi các ràng buộc của truyền thống, của “ý thức chung”, của những điều đã được xem là hiển nhiên, để thiết lập lại nhận thức, đặt nền móng và dấn thân theo đuổi những điều mới. Đó là các nhà tư tưởng, các nhà phát minh, các nhà cách mạng, những người kiến tạo nên những nền văn hóa mới cho nhân loại, họ là những trường hợp xuất sắc, có khả năng thay đổi thế giới.

Sự lột xác lần này rồi đến lần khác là hành trình trưởng thành về nhận thức của cá nhân, và cũng là hành trình phát triển của lịch sử các khoa học trên thế giới. Chất lượng của các xã hội, của các hệ thống giáo dục là tạo ra những con người có khả năng “lột xác” như thế.

Và để có được điều này, nhà trường cần trang bị cho học sinh ngay còn tấm bé các khả năng biện luận, khả năng tư duy độc lập, thói quen và khả năng phản biện, phân định, truy xét những gì mình đang có, cũng như những điều đang hiện hữu phổ biến xung quanh. Những kỹ năng này là hết sức cần thiết, là chất lượng của người học, của các công dân tương lai, chứ không phải là khối lượng kiến thức. Những điều này là mục tiêu xuyên suốt của các hệ thống giáo dục tại các nước phát triển, được thể hiện xuyên qua từng môn học, từng hoạt động giáo dục, từng lần đánh giá. Những điều này là gốc, còn những thông tin và kiến thức cụ thể chỉ là ngọn. 

Những khả năng này không những là tối quan trọng của người học trên đường truy tìm chân lý và thay đổi bản thân, mà còn là các kỹ năng sống cần thiết trong một thế giới đầy những thông tin thật giả lẫn lộn, trong một thời đại ham chứa nhiều bất toàn như hiện nay (Edgar Morin, 2014).

Thế nhưng thật không may, cỗ máy giáo dục Việt Nam chúng ta dường như đang chạy tối đa chỉ để có được phần ngọn, chủ yếu đang làm công việc truyền tải thông tin và tạo ra những người học thụ động ở cấp độ thứ nhất như đã trình bày ! Đây có lẽ cũng là lý do mà chúng ta “Thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ” ...