Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2020

ĐỌC LẠI “THỰC NGHIỆM TÂM LINH” – TAGORE



 

-          Rabindranath Tagore viết cuốn sách mỏng này như là lời tâm tình và suy tư của ông về con người cá nhân và vũ trụ, về tôn giáo của phương Đông và phương Tây, đặc biệt là những ý niệm sâu sắc về Ấn Độ giáo. Dưới cái nhìn của một nhà thơ, ông không đứng về một phía nào mà ở đây ông tôn trọng các đặc tính riêng của từng dân tộc, của từng tín ngưỡng, ông kêu gọi tinh thần hợp tác và tôn trọng các dị biệt thiết yếu trong một sự hòa đồng sâu rộng. Ông cho rằng, đối với con người, gò bó linh hồn mình vào một cái vỏ bất động của lãnh đạm thường lệ hay lao mình vào hoạt động hùng hục mù quáng như một cơn gió lốc bụi mù khiến mình không còn thấy chân trời là đâu đều là một sự phá hoại như nhau, không hơn không kém. Để tâm thức được tư do, người ta phải từ bỏ cái ngã nhỏ bé của mình như Upanishad đã viết ”có cho đi mới nhận được, và đừng thèm khát” để có thể đạt đến một đời sống khoáng đạt hơn.

 

-          Ông diễn giải ý thức tâm linh theo tinh thần của bộ kinh Upanishad. Theo đó, chìa khóa của ý thức vũ trụ, của ý thức về Thượng đế là ở trong ý thức về tâm linh. Theo ông, yếu tính của con người là tinh thần. Để đạt tới sự giả thoát tối thượng, ta phải tìm mọi cách vươn lên trên mọi kiêu ngạo, mọi thèm khát, mọi sự sợ hãi và biết rằng sự mất mát vật chất và cái chết thể xác chẳng làm sức mẻ được tí gì cái chân lý và cái cao thượng của tâm linh ta.

 

 

-          Ông viết về thời gian, về sự vô thường của vũ trụ bằng ngôn từ đẹp đẽ như những vần thơ. “Ngày đến với ta vào mỗi buổi sáng, trắng tinh, trần truồng, tươi như hoa. Nhưng ta biết là nó già, nó chính là Thời gian. Chính cũng vẫn cái ngày già cỗi ấy từng đón ẵm trong tay quả địa cầu sơ sinh của chúng ta, đã bọc nó trong chiếc áo choàng ánh sáng trắng tinh của mình, và đã ném nó vào cuộc hành hương vĩ đại giữa các vì tinh tú. Tuy nhiên chân nó bước vẫn không mỏi, mắt nó vẫn không mờ, nó vĩnh cữu, nó không có ý niệm già nua, nó trẻ trung bất diệt tận thâm tâm và chỉ sờ vào là sạch mọi vết nhăn trên vầng trán của thiên nhiên. Tàn tạ và chết chóc lướt những cái bóng thoảng qua trên nó rồi biến đi không dấu vết. Và chân lý tồn tại, tươi tắn trẻ trung. Những buổi sáng, giữa các bông hoa mới nở, ngày lại sống lại, lặp lại lời thông điệp của mình, vẫn đoan chắc với chúng ta rằng cái chết phải chết đời đời, rằng các luồng sóng xáo trộn chỉ là trên mặt, và rằng đại dương của bình thản không sao dò thấu. Màn đêm được vén ra, chân lý bộc lộ, mà không một vết nhăn làm già nét mặt, không một hạt bụi làm nhơ chiếc áo. Trong giọng nói, từng tiếng hát một của bài ca sáng tạo vang lên hoan hỷ. Đời sống, như một dòng sông, vỗ vào bờ mình, chẳng phải để thấy rằng mình bị giam hãm, mà để trong khoảnh khắc ấy nhận thức được rằng mình có một lối thoát vô tận về phía biển cả, như thể một bài thơ mỗi vần lại tìm được điệu và nói lên được cái tự do nội tại của hòa điệu của nó.”

 

-          Về khái niệm tâm linh trong hành động, ông dẫn Upanishad “Chỉ có ở giữa hoạt động ngươi mới sống lâu trăm tuổi”. Đó là lời của những người đã từng ừng ực uống niềm hoan hỷ của tâm hồn. Tâm linh cũng thế, nó không thể chỉ sống bằng sự tưởng tượng và bấu vía vào tình cảm nội tại của mình. Nó luôn cần đến các vật ngoại tại, không những để nuôi dưỡng tâm thức nội tại của nó, mà còn để chăm chú vào hành động, không những để nhận mà còn để cho ra vô tận.

 

 

-          Tagore kể, trong cái nhộn nhịp của công việc hàng ngày ở Ấn, ông thường nghe văng vẳng tiếng gọi: “Hãy chở ta sang bờ bên kia.” Ở đấy, người đánh xe thường hát: “Hãy chở ta sang bờ bên kia. “ Thằng bé bán rong vừa bán kẹo cho khách vừa hát: “Hãy chở ta sang bờ bên kia.” Tiếng gọi ấy có nghĩa gì? Ta cảm thấy rằng ta còn chưa đến đích; vì ta biết rằng tất cả các nỗ lực và tất cả các công lao của ta sẽ chẳng đưa ta đến đích, cũng sẽ chẳng đưa lại cho ta cái ta tìm kiếm. Như một đứa bé không còn thích đồ chơi của mình nữa, tâm ta thốt lên: “Còn gì khác nữa không? Bờ bên kia là đâu?” Phải chăng là khác cái ta hiện có? Phải chăng là khác nơi ta ở? Phải chăng là ngưng mọi công việc, là trút bỏ mọi trách nhiệm của đời sống, để đến được bờ bên kia? Không, ta sẽ tìm được mục đích khi ta hoạt động. Thật vậy, hỡi Đại dương hoan hỷ, ở Người, bờ này và bờ kia chỉ là một, vì chính ở đây - ở hiện tại vĩnh cửa này là bờ bên kia; nó không xa, nó cũng chẳng ở đâu cả.