Thứ Năm, 2 tháng 7, 2020

THẾ GIỚI MỚI TƯƠI ĐẸP

(Tiểu thuyết của Aldous Huxley)

Cuốn tiểu thuyết hư cấu thuộc loại không tưởng đen này được viết vào năm 1931, là lời tiên tri tương đối chính xác về những khủng hoảng của nền văn minh hiện đại mà ta đang sống ở đầu thế kỷ 21 này. Ngày nay, những dây chuyền sản suất hàng hóa hàng loạt với tốc độ chóng mặt có thể cung cấp mọi nhu cầu tiêu dùng cho cư dân trên trái đất này, cung đã vượt nhu cầu cơ bản của loài người, giờ đây nó cung cấp thêm cho nhu cầu xa xỉ của một bộ phận cư dân giàu có. Điều ấy đã tạo ra nhiều hệ lụy về vấn nạn ô nhiễm môi trường, tài nguyên bị khai thác kiệt quệ, nạn bóc lột sức lao động diễn ra nhiều nơi (nhưng nó đang mang danh nghĩa tạo công ăn việc làm cho con người!), phần lớn công nhân trong những dây chuyền sản xuất thiếu thốn đời sống tinh thần. Họ làm gì có thời gian mà đọc sách (của Shakespeare!) hay những nhu cầu tinh thần khác như Huxley đã dự báo.

Harari (tác giả bộ Sapiens, Homo Deus, 21 bài học cho thế kỷ 21) cũng đã cảnh báo chúng ta về sự lệ thuộc của con người vào công nghệ AI hay công nghệ sinh học trong thời gian tới. Cuối cùng, trong thế giới văn minh, con người có hạnh phúc hơn không? Không dễ để trả lời câu hỏi này.

Dưới đây là trích lời giới thiệu của dich giả Hiếu Tân về cuốn sách thú vị này.

Gần một thế kỷ đi qua, tính tiên tri trong tiểu thuyết Thế giới mới tươi đẹp của Huxley đã làm sửng sốt nhiều thế hệ. Dưới hình thức viễn tưởng khoa học, cuốn tiểu thuyết không đơn thuần là tưởng tượng phóng túng của tác giả, đúng hơn, nó là một phép ngoại suy của một trí óc vượt tầm thời đại, từ cái hiện thực đang diễn ra trước mắt tới những xu hướng có thể có trong tương lai. Một xã hội hoàn chỉnh như trong truyện thì không thể có thật, ta gọi nó là không tưởng, và cái thực tại ảo mà nó biểu hiện khiến ta rùng mình sởn gáy về sự phi nhân tính của nó, nên cái không tưởng ấy ta gọi là không tưởng-đen (dystopia); nhưng từng khía cạnh của nó thường khi ló ra trong hiện thực không khỏi khiến ta giật mình. Cái hiện thực trong truyện không phải là tiếng khóc than của một nhân loại đói khổ và lầm than, như từ Dickens đến Tolstoy, từ Hugo đến Jack London, mà là tiếng cười đắc thắng của khoa học và công nghệ. Khi Huxley viết quyển sách này (1931), thì I.P. Pavlov (1849 – 1936), Henry Ford (1863 – 1947) và Sigmund Freud (1856 – 1939) đều là người đương thời với ông; sản xuất theo dây chuyền, phản xạ có điều kiện hay libido vẫn đang là thời sự mới mẻ. Tác phẩm của Huxley không “phản ánh hiện thực”; từ hiện thực, thậm chí từ những thời sự của ngày ấy, Huxley nghĩ về cái có thể đến trong tương lai. Những thành tựu khoa học rực rỡ quả là những ân sủng diệu kỳ mà loài người tự ban cho mình, nhưng chúng làm biến đổi bộ mặt loài người ra sao thì có ai dám chắc, chẳng hạn, khi quyền sử dụng chúng được đặt vào những bàn tay vô trách nhiệm? Diễn biến lịch sử đã chứng tỏ nỗi lo như thế không bao giờ là thừa cả. “Thế giới mới tươi đẹp” có tham vọng giải quyết những vấn đề lớn của loài người từ bao đời nay: Nhờ tiến bộ khoa học và công nghệ, nó cung cấp dư thừa của cải vật chất đảm bảo một cuộc sống tiện nghi thoải mái nhất, và nhằm đến cái đích cao nhất mà con người muốn đạt đến: Hạnh phúc! Mà lại là hạnh phúc cho tất cả mọi người! Nhưng hóa ra cái đích cao nhất ấy, hạnh phúc ấy, chỉ là thỏa mãn khoái lạc vật dục, vì xã hội chỉ có thể cung cấp đến đó, tiến bộ khoa học và vật chất dư thừa không mang lại văn hóa. Văn hóa và nghệ thuật cao cấp không tồn tại, nghệ thuật duy nhất là phim tình fili, một thứ giải trí thấp kém và dung tục. Tình dục chỉ có mục đích tiêu khiển (recreational sex). Các đẳng cấp cao thì thông minh nhưng cá tính sáng tạo phải bị triệt tiêu để bảo đảm cho xã hội ổn định, nghĩa là giữ nguyên ở một trạng thái, không thay đổi, không tiến hóa, không phát triển; bởi khả năng suy nghĩ độc lập của mỗi cá nhân chính là nhân tố thúc đẩy tiến bộ của loài người. Con người có thể hành động không suy nghĩ, vì đã được dẫn dắt bằng những châm ngôn học được trong lúc ngủ nằm sẵn trong tiềm thức; tự do ý chí của cá nhân bị ngăn chặn vì nguy hiểm cho xã hội. Các đẳng cấp thấp được điều kiện hóa trong những “Phòng Tiền định Vận mệnh”, để suốt đời mãn nguyện với địa vị của bản thân, khi kẻ nô lệ biết yêu thân phận nô lệ của mình thì xã hội ổn định. “Mỗi người thuộc về mọi người khác”, nên ngay trong “tình trường” cũng không có ghen tuông; không có chênh lệch trong hưởng thụ thì không có ganh tị, do đó cũng không có bất bình, xung đột, chiến tranh. Một xã hội như thế được tạo ra như một hệ khép kín sẽ tồn tại vĩnh viễn. Nó là không tưởng, nhưng không phải vì thế mà không đập vào ý thức chúng ta như những cảnh báo mạnh mẽ: Trong mọi hình thức tàn phá hủy diệt, không gì đáng sợ hơn hủy diệt tính người.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét