Thứ Hai, 13 tháng 9, 2021

BBC - Làm việc từ xa - quyền tự chủ

 

Học cách trở lại làm việc nơi công sở sau đại dịch

  • Kate Morgan
  • BBC Worklife

8 tháng 9 2021




Khi đại dịch buộc nhân viên phải làm việc từ xa, một trong những thay đổi đầu tiên, nổi bật nhất, là quyền tự chủ của người lao động ngay lập tức tăng lên.

Giờ đây, có lẽ lần đầu tiên trong đời đi làm, nhiều người đã quen với việc làm việc mà không có sếp đứng đó nhìn, hoặc có đồng nghiệp để ý nhất cử nhất động của họ.

Môi trường tự chủ hơn đã cho phép nhân viên quyền kiểm soát nhiều hơn các khía cạnh lớn và nhỏ trong công việc, từ chỗ ngồi - hay là liệu họ có ngồi hay không - đến cách họ đặt ưu tiên công việc, phân bổ thời gian và xả hơi.

Đối với nhiều người, tăng quyền tự chủ là hạnh phúc lớn nhất khi làm việc từ xa.

"Đột nhiên chúng tôi có nhiều quyền kiểm soát, không chỉ về nơi làm việc, mà còn về cách làm việc của mình nữa," Arvind Malhotra, giáo sư chiến lược và tinh thần doanh nghiệp tại Trường Kinh doanh Kenan-Flagler thuộc Đại học North Carolina, cho biết. "Khi người ta không phải lúc nào cũng nhìn bạn, bạn được chọn cách làm việc."

Chúng ta cũng đã "quen với việc có thể xen kẽ sinh hoạt đời thường với công việc" - chẳng hạn như dắt chó đi dạo vào giữa trưa hoặc sử dụng thời gian nghỉ 10 phút để lấy chén bát trong máy rửa ra.

"Đó là những việc nhỏ nhặt, nhưng sự tự chủ này có tác động cộng dồn. Bạn làm chủ những khoảng thời gian đó. Khi bạn ở trong môi trường của người khác, bạn sẽ mất sự tự chủ."

Khi ai cũng trở lại văn phòng làm việc, mọi người nghĩ là chúng ta sẽ phải từ bỏ ít nhất một số quyền kiểm soát mới có đó - sự chuyển đổi có thể chứng tỏ là ngược ngạo.

Nhưng không phải tất cả là tin xấu: có những cách đối phó việc mất tự chủ và những điều người lao động có thể vẫn làm để giữ lại những điểm tốt nhất của làm việc ở nhà.

Lợi ích của tự chủ

Tự chủ là tốt cho chúng ta và tốt cho công việc của chúng ta - điều mà Daniel Wheatley, độc giả về kinh doanh và kinh tế lao động tại Đại học Birmingham ở Anh, nói rằng các chuyên gia đã biết từ trước.

"Nếu chúng ta kiểm soát được cuộc sống của mình và những gì chúng ta làm trong cuộc sống, chúng ta sẽ có cảm giác lành mạnh hơn, bởi vì chúng ta có thể quyết định làm gì, khi nào và điều gì có tác dụng với chúng ta," ông nói.

"Nó giúp chúng ta làm chủ môi trường của mình, và cảm giác chúng ta không phải lệ thuộc vào người khác; chúng ta là người quyết định. Nếu đọc các tài liệu tâm lý, bạn sẽ biết những điều này đáp ứng một số nhu cầu cốt lõi của con người chúng ta."

Các nhà tâm lý học coi tự chủ là nhu cầu cơ bản của con người; mọi người muốn chịu trách nhiệm về cuộc đời mình. Và tại nơi làm việc, Wheatley nói thêm, 'có mức độ làm chủ cao hơn đối với những gì chúng ta làm sẽ có những tác động tích cực'.

Sau khi nghiên cứu dữ liệu từ 20.000 nhân viên ở Anh, Wheatley và nhóm nghiên cứu của ông phát hiện những người nói họ có mức độ tự chủ cao hơn trong công việc hoặc văn hóa làm việc cảm thấy hạnh phúc hơn với công việc của họ.

"Quyền tự chủ có thể là về cách bạn thực hiện công việc của mình, công việc nào bạn làm trước, cách hoàn thành nhiệm vụ... nhưng cũng có thể về thời điểm làm việc, khi nào bắt đầu, hoàn thành hay xả hơi. Nó cũng có thể là nơi bạn làm việc - ở nhà, quán cà phê, văn phòng," Wheatley nói. "Có quyền tự chủ trong những việc này rõ ràng có liên quan đến mức độ hài lòng công việc nhiều hơn, bằng chứng thống kê đã cho thấy điều đó."

Nghiên cứu gần đây cho thấy quyền tự chủ tác động tích cực đến hiệu quả và năng suất công việc. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Claremont và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Thần kinh ở Claremont, California, phát hiện rằng quyền tự chủ "có thể ảnh hưởng đáng kể đến năng suất cá nhân và nhóm".

Wheatley nói những phát hiện này hoàn toàn hợp lý. "Mọi người cảm thấy họ có thể làm được nhiều hơn trong ngày làm việc khi họ kiểm soát được lịch trình và cách họ thực hiện công việc. Điều gì đó ngớ ngẩn, như nghỉ ngơi và dắt chó đi dạo khi thuận tiện, có thể đem đến quyền kiểm soát nhiều hơn trong cả ngày. Những thứ nhỏ nhặt như thế khi cộng dồn lại có tác động lớn đến cuộc sống và sau đó là công việc."

Không cần từ bỏ mọi quyền kiểm soát

Malhotra nói rằng việc trở lại công sở đương nhiên sẽ bao gồm trở lại một số khía cạnh truyền thống của công việc: đó là bị giám sát nhiều hơn và tự chủ ít hơn.

Nhưng có thể có những cách đơn giản để duy trì kiểm soát. "Câu hỏi là, bạn có thể giữ lại gì - và bạn có thể đòi hỏi gì thêm?" ông nói.

Wheatley dự đoán rằng rằng việc trở lại công sở, trong nhiều trường hợp, sẽ được tiến hành bằng các cuộc đàm phán giữa nhân viên và giới chủ, và nhân viên có khả năng sẽ tìm cách làm cho một số thay đổi trong 18 tháng qua trở nên lâu dài hơn - gồm cả chuyển sang mô hình hỗn hợp.

Làm thế nào để nó có hiệu quả sẽ tùy thuộc vào công việc và ngành nghề, ông nói, nhưng mô hình hỗn hợp cho phép nhân viên tiếp tục có được sự tự chủ của công việc từ xa, ngay cả khi họ phải từ bỏ quyền tự chủ vào những ngày họ đến làm việc ở văn phòng.

Malhotra gợi ý cũng có thể có những cách khác để giữ được quyền tự chủ nhiều hơn trong công việc.

"Tôi nghĩ rằng nếu bạn từ bỏ tự chủ về địa điểm và thời gian để đến cơ quan làm việc, thì bạn cần nói chuyện với cấp trên của mình và đàm phán để đòi được hưởng sự linh hoạt đối với những gì bạn muốn làm," ông nói. "Nếu bạn vào cơ quan và làm việc theo cách bạn được yêu cầu phải làm, thì có lẽ là vẫn có một số công việc mang tính sáng tạo, là những thứ mà bạn có thể giữ quyền tự chủ ở mức cao hơn."

Việc duy trì quyền kiểm soát ở 'cấp độ các tác vụ nhỏ', Malhotra nói thêm, là điều có thể đạt được, ngay cả khi hầu như mọi thứ khác ở công sở đều đã quay trở về trạng thái như từ thời trước khi làm việc từ xa.

"Đây là những gì chúng ta đã làm khi ở nhà," ông nói. "Chúng ta đã cố định một số khung giờ nhất định để làm những gì mình cần làm, và cho mình không gian và thời gian để suy nghĩ. Tôi nghĩ thực hành thói quen đó phải song hành với việc chúng ta quay trở lại công sở. Có những quyền tự chủ mà bạn có thể lấy lại trong ca làm việc."

Điều đó có nghĩa là nếu nhân viên được kiểm soát lịch làm việc của họ thì họ có thể tránh xếp lịch các cuộc họp liên tiếp, hay chủ động đánh dấu những khung giờ cố định là lúc họ không thể bị đặt lịch họp hoặc phải tiếp điện thoại từ người khác. "Khi nào cần nghỉ ngơi? Thời gian suy nghĩ? Thời gian làm việc với người khác? Những điều chúng ta ngầm làm khi ở nhà để lên lịch làm việc phù hợp với mình cần phải được tính đến khi chúng ta trở lại làm việc ở cơ quan," Malhotra nói.

Rốt cuộc thì trở lại công sở có thể sẽ đồng nghĩa với từ bỏ ít nhất phần nào quyền tự chủ.

Điều đó không thể tránh khỏi, Wheatley nói. Nhưng chưa lúc nào là thời điểm tốt như bây giờ để đàm phán, hoặc định hình lại công việc theo cách phù hợp với bạn.

Nhiều người đã chứng tỏ rằng họ có thể làm việc hiệu quả trong môi trường tự chủ, từ xa. Và thành công này mang lại cho những nhân viên muốn tự lên lịch trình và cân bằng khối lượng công việc của họ cơ sở vững chắc để đi lên.

Một số nhà quản lý có thể muốn cầm cương trở lại một cách an toàn, nhưng những người khác có thể linh hoạt hơn, hiểu rằng trong nhiều trường hợp, những gì tốt nhất cho nhân viên cũng có lợi cho công ty.

Nói đơn giản: bạn có thể không còn có nhiều quyền tự chủ như thế đối với công việc của mình, nhưng bạn vẫn là người cầm chịch, ít nhất là ở mức độ nào đó.

"Tôi nghĩ có một số kỹ thuật và phương cách quản lý," Wheatley nói, "ngay cả khi bạn không có toàn quyền kiểm soát môi trường của mình."

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét