Một cuốn sách cuốn hút, đôi khi hồi hộp ly kì về niềm đam mê xê dịch
của một nhóm bạn trẻ. Tác giả đã quá tham lam chăng khi đặt ra quá nhiều vấn đề
về chiến tranh, về tôn giáo, về địa lý, về âm nhạc, về thân phận của tuổi trẻ, về
sự dấn thân vào 02 tập sách, có nhiều
câu hỏi lớn ông tự trả lời bằng cách này hay cách khác, nhưng có nhiều vấn đề
ông bỏ lửng cho độc giả tự tìm cho mình lời giải đáp về đời sống này.
Xuyên suốt những
câu chuyện về cuộc đời của sáu thanh niên và cuộc hành trình của họ, tác giả vẽ
nên một bức tranh toàn cảnh về hiện thực đương thời. Đó là một thế giới sắp
bùng nổ. Chiến tranh Việt Nam, chiến tranh Trung Đông, nạn phân biệt chủng tộc,
những cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở châu Phi, sự thất thế của những nhà
lãnh đạo tư bản chủ nghĩa ở thuộc địa.
Mặc dù cuốn
sách được viết từ thế kỷ trước, phần nhiều nội dung vẫn rất đúng với lứa tuổi
hai mươi ngày nay, đặc biệt với những người đang lạc lõng giữa thế giới, đơn giản
muốn tìm một chỗ đứng, nơi họ có thể hạnh phúc và gọi là nhà. Những nhân vật
trong sách là những con người đã bị vỡ mộng vì xã hội, và đang nỗ lực xây dựng
thế giới utopia (địa đàng trần gian) của riêng họ ở một miền đất khác, như những
kẻ bỏ xứ, những kẻ lãng du và trôi dạt.
Ở đó, tác giả đã đưa ra nhiều quan niệm về nhân sinh
quan qua nhiều nhân vật. Tôi ấn tượng mạnh về suy nghĩ của cặp vợ chồng người
Thụy Điển Rolf và Inger về một triết lý sống vượt qua những lề lối truyền thống
cổ hũ về giáo dục, hôn nhân, về sự hưởng thụ cuộc sống, họ chỉ cần 6 tháng làm
việc thật sự trong 01 năm và họ có 06 tháng hưởng thụ cuộc sống tự do ở những
nơi xa lạ mới mẻ, họ bác bỏ nền giáo dục coi trọng bằng cấp, bác bỏ chiến
tranh, sự thăng tiến, cuộc sống ổn định nhàn tẻ trong những ngôi nhà rộng rãi,
hay nhưng ảo tưởng về khoa học.
Nhưng đối với ông già Fairbank thì “vẫn phải cân nhắc
những sự hài lòng mang tính bền vững của thế giới cũ kia, nơi đó ông tìm thấy
nhiều niềm vui thú trong công việc vất vả, trong những thắng lợi phải đua tranh
mới có được, các viện bảo tàng nghệ thuật, các tòa nhà cao tầng thiết kế đẹp,
các bản giao hưởng của Beethoven, những ngôi nhà với lũ trẻ ngày một lớn khôn”.
Và sau cùng là Harvey Holt, một chuyên viên kỹ
thuật viễn thông, một nhân vật đậm chất Mỹ mà tôi thần tượng. Đó là 01 kiểu người
có thừa năng lực, thừa lòng dũng cảm hay lòng yêu nước nhưng không mù quáng.
Anh có thể sống tốt ở bất cứ nơi đâu trên thế giới với chuyên môn vững vàng của
mình mà không bợ đỡ bất cứ ai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét