Đây là cuốn sách đồ sộ về nhiều mặt, đồ sộ về số trang, đồ sộ về tư tưởng mà Tolstoy muốn đề cập thông qua nhiều tầng lớp nhân vật và sự quan sát tinh tế đời sống thời đó ở nước Nga. Đã đọc hai bộ sách đồ sộ khác như Sông Đông Êm Đềm của Sholokhov, Núi Thần của Thomas Mann, nhưng đến Chiến Tranh và Hòa Bình thì tôi thật sự choáng ngợp và thích thú. Nó là cuốn tiểu thuyết kinh điển chương hồi truyền thống không khó đọc và cảm thụ, không khó đọc kiểu như vài cuốn của Faulner (Âm thanh và cuồn nộ, Khi tôi nằm chết...), tuy nhiên ở đây với những độc giả trung niên như tôi có thể rút ra nhiều tri thức về chiến tranh, về hòa bình, về tư tưởng tôn giáo, về Hội Tam Điểm, về đời sống của giới tư sản Nga thời cuối thế kỷ 19.
Mới đọc hết một phần ba cuốn sách, tôi không thể ngăn mình viết ra đây vài dòng cảm nhận cá nhân về nó. Một Andrey từng trải, một Piotr đang hoang mang đi tìm chân lý của đời sống, một kị binh Roxtov trẻ trung sốc nổi nhiệt tình, một đời sống salon phòng khách xa hoa, một sự phi lý và hư vô của chiến tranh, những cuộc tranh luận về tôn giáo cực kỳ sâu sắc dần hiện ra qua từng chương sách.
Tôi muốn trích một đoạn văn dưới đây mà theo tôi nó mang nhiều tính triết lý, sự chiêm nghiệm sâu sắc về đời sống con người, con người và thiên nhiên chỉ là một thực thể hòa hợp, đó là chân lý ngàn đời. Ta phải sống thật chậm rãi, có đôi lúc ta phải quên đi cơn lốc cuốn cuồng vội vã xô bồ của đời sống thực để sống suy tư. Một bài báo viết về cuộc sống số trong thời đại Internet ngày nay nói rằng việc đọc và nghiền ngẫm ngôn từ không chỉ mang giá trị về tri thức mà còn đem lại những rung động về mặt trí tuệ. Chúng đem lại những khoảng lặng để tâm trí con người có thể chiêm nghiệm, đúc rút ra những kết luận cho riêng mình. Nếu những khoảng lặng này bị đánh mất, hoặc bị lấp đầy bởi các nội dung gây phân tán khác, con người dễ đánh mất một thứ quan trọng đối với bản thân lẫn văn hoá của chính mình.
"Dưới ánh nắng xuân ấm áp, chàng ngồi trên xe ngựa, đưa mắt ngắm những ngọn cỏ mới mọc, những nhánh lộc bạch dương mới nhú và những làn mây trắng đầu tiên của mùa xuân lơ lửng trên nền trời xanh trong sáng. Chàng không nghĩ gì hết, chỉ vui vẻ và vô tư lự ngắm cảnh bên dường.
Cỗ xe kiệu đi qua chỗ bến phà, nơi mà cách đây một năm chàng đã nói chuyện với Piotr, rồi đi qua một cái làng lầy lội, những khoảng sân đập lúa, những cánh đồng lúa mì mùa đông đang lên. Xe lăn theo con đường thoai thoải đi xuống một chiếc cầu còn đọng lại ít tuyết, rồi lại leo lên một cái dốc đất sét trơn lầy đi qua những dải đất đầy những gốc rạ và những bụi cây lác đác đâm chồi xanh, rồi tiến vào một khu rừng bạch dương chạy dài hai bên đường. Trong rừng rất ấm, phần nào, nóng bức nữa là khác; không có lấy một hơi gió thoảng qua. Những cây bạch dương lốm đốm những khóm lá xanh mọng đứng im lìm không lay động, và những ngọn cỏ non, những bông hoa tím nhạt đã nhú lên trên lớp lá vàng rụng từ năm ngoái. Mấy cây thông nhỏ mọc lác đác trong khóm bạch dương, màu lá ngàn đời xanh thẳm của nó khiến người ta nhớ lại mùa đông mà bực mình. Chạy vào đến rừng, mấy con ngựa kéo xe thở phì phò, mình càng toát mồ hôi nhiều hơn trước. Anh hành bộc Piotr nói với người xà ích một câu gì đó không rõ và người xà ích khen phải. Nhưng hình như Piotr chưa thoả mãn với sự đồng tình của người xà ích: anh ta xoay người trên ghế đánh xe, ngoảnh về phía chủ mỉm cười lễ phép nói: - Thưa đại nhân, thật là khoan khoái.
- Cái gì?
- Bẩm thật là khoan khoái ạ.
"Anh ta nói gì thế nhỉ? - Công tước Andrey nghĩ thầm
- Phải chắc là nói về mùa xuân, - chàng nghĩ, mắt nhìn sang hai bên đường.
- Ừ cảnh vật mới đó mà đã xanh rờn, chóng quá! Bạch dương, điêu lê cả xích dương nữa, đều đã bắt đầu, còn cây sồi thì vẫn chưa thấy gì. Phải đây, đúng là một cây sồi rồi". Bên vệ đường sừng sững một cây sồi. Có lẽ nó già gấp mười lần những cây bạch dương mọc thành khóm rừng này, nó to gấp mười và cao gấp đôi mấy cây bạch dương ấy. Đó là một cây sồi rất lớn hai người ôm không xuể, có những cành có lẽ đã gãy từ lâu, vỏ cây nứt nẻ đấy những vết sứt sẹo. Với những cánh tay to sù sì không cân đối, với những ngón tay quều quào xòe rộng, nó như một quái vật già nua cau có và khinh khỉnh đứng giữa đám bạch dương tươi cười. Chỉ có một cây sồi là không chịu đón lấy mùa xuân và ánh nắng.
Mùa xuân, tình yêu, hạnh phúc!- Cây sồi già như muốn nói thế - Làm sao cái điều dối trá khờ khạo và điên rồ như thế mà mãi các người không chán! Quanh đi quẩn lại chỉ có thế, và vẫn chỉ là một sự dối trá mà thôi! Làm gì có mùa xuân, có ánh nắng, có hạnh phúc? Kìa, các người nhìn xem, những cây thông chết cằn chết rụi, bao giờ cũng vẫn thế, và ta nữa, đang đang những ngón tay rạn gãy, sây sát từ lưng ta, từ sườn ta mọc lên; xưa kia nó mọc như thế nào thì ta bây giờ cũng như thế, và ta không tin vào những niềm hi vọng và những sự dối trá của các người.
Công tước Andrey ngoái cổ lại cây sồi mấy, lần trong khi xe đi qua khóm rừng, dường như chờ đợi ở nó một cái gì. Dưới gốc cây sồi cũng có hoa, có cỏ, nhưng nó vẫn thế, cau có, lầm lỳ, què quặt và kiên gan đứng im lìm giữa đám hoa cỏ ấy."Phải, cây sồi nó nói phải, một ngàn lần phải, - công tước Andrey nghĩ, - Để cho người khác, những người còn trẻ, họ lao vào sự dối trá ấy, còn chúng mình thì đã biết đời rồi, - cuộc đời của chúng mình hết rồi"! Và một loạt những ý tưởng mới mẻ. Vô hi vọng nhưng buồn buồn dìu dịu do cây sồi gợn lên nảy sinh trong tâm hồn công tước Andrey. Trong chuyến hành trình này, chàng như đã suy nghĩ lại cả cuộc đời của mình và một lần nữa chàng lại đi đến cái kết luận trước kia, một cái kết luận đượm màu bi quan nhưng cũng làm cho lòng chàng dịu lại, là bây giờ chàng không nên mưu đồ một cái gì nữa hết, rằng chàng phải sống nốt cho hết cuộc đời mình, không làm điều xấu, không ưu tư, không ước muốn gì nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét