Anna Karenina là một bức tranh sống động về cuộc sống tư sản Nga gần cuối thế kỷ 19, về sa lông phòng khách, về giới thượng lưu, về bi kịch gia đình (giả dối, ghen tuông, ngoại tình), về đời sống nông thôn (điền trang, nông nô, cải cách ruộng đất, về quan hệ của người nông dân và ruộng đất...), về thiên nhiên, về đua ngựa, về săn bắn, về đời sống tôn giáo, bất bình đẳng giới tính, về hội họa, về chủ nghĩa quan liêu của bộ máy chính quyền.
Trên trang mở đầu cuốn truyện, có ghi một đề từ: "Việc báo oán thuộc về ta, chính ta lại ra ân đền bù lại", với ngụ ý: chúng ta không có quyền phán xét người đời, quyền đó thuộc về Chúa. Câu này gói ghém ý nghĩa khe khắt về luật pháp vô tình của Chúa Trời, nhưng mặt khác tỏ rõ tất cả lòng nhân đạo, rộng lượng của nhà văn với nhân vật chính. Ông muốn che chở Anna trước dư luận bất công của một xã hội ưa sống giả dối, quen chà đạp con người; ông không cho nó được quyền xét xử, vì chính nó là nguồn gốc gây ra tội lỗi. Và nếu Anna là tội nhân xúc phạm vào đạo đức, trật tự phong kiến thì đồng thời cũng là nạn nhân của lối sống giả nhân giả nghĩa. Nói vậy, không phải Anna hoàn toàn không có trách nhiệm về việc mình làm. Trong cái chết oan khiên của nàng đã mang ý nghĩa tính hậu quả không tránh khỏi của việc làm tội lỗi, về sự tự trừng phạt.
Cuốn truyện hình như chia làm hai đường dây nhân vật riêng rẽ:
một bên là Anna, Carenin, Vronxki, một bên là Kitti, Levin. Thực ra, ngay đến số phận riêng của các nhân vật khác cũng đều được bố trí theo một hướng thống nhất, để đóng góp vào việc trình bày và giải quyết vấn đề trung tâm cuốn truyện: tình yêu và hôn nhân, gia đình hạnh phúc hay bất hạnh. Coznusev, một người sống xa thực tế, chỉ chuyên chúi đầu vào sách vở và Varenca, một cô gái đức hạnh, mộ đạo, cả hai cuối cùng cũng phải trải qua thử thách với vấn đề hôn nhân. Từ Betxi Tverxcaia, Lidia Ivanovna, đến Xerpukhovxcoe đều luôn bàn đến chuyện gia đình, tuy không phải là chuyện chính. Rồi các gia đình Xviajxki, Trerbaxki Lvov đều được miêu tả đầy đủ.
Lối sống trụy lạc của Oblonxki làm gia đình lục đục, làm Doli, một người vợ chỉ biết có chồng và con, phải đau khổ, ghen tuông. Dưới vẻ bề ngoài đầy đủ, êm ấm, gia đình quý tộc đó đang tan vỡ hạnh phúc với những túng thiếu, xích mích và chán ghét nhau. Tình yêu khó đi đôi với tính ích kỷ. Hạnh phúc chỉ đến với những người quên mình mà yêu. Trong chừng mực nhất định, cặp vợ chồng Levin - Kitti có lẽ đạt tới hạnh phúc đó. Họ là những người thực thà, chín chắn và tình yêu của họ cũng phải trải qua những lầm lạc, hối hận, đau khổ. Họ yêu và trọng nhau, trầm lặng nhưng thắm thiết, vừa không ngừng tìm hiểu nhau và lo lắng đến bổn phận mỗi người. Kitti theo chồng về quê ở, gắng làm quen với lối sống của chồng và giúp đỡ chồng làm việc. Nàng hiểu thấu tình máu mủ của Levin, hết lòng săn sóc người anh chồng ốm nặng. Nhưng quý hơn cả là nàng hiểu tâm hồn chồng, một tâm hồn nàng cho là "tất cả cho người khác, không nghĩ gì đến mình", nhưng lại đang băn khoăn đi tìm lẽ sống, tìm chân lý.
Kitti là cô gái dịu dàng, ngây thơ, đang ao ước tình yêu sẽ đền đáp xứng đáng cho sắc đẹp tươi trẻ mình. Tất cả nỗi lòng nàng say sưa tin vào một hạnh phúc gia đình tốt đẹp. Vronxki đã phá hoại lòng tin đó, làm nàng từ đó nhìn đời chỉ thấy toàn xấu xa. Khi dưỡng bệnh ở suối nước nóng, Kitti gặp Varenca. Thoạt đầu, nàng cho cô bạn mới này là con người toàn vẹn, sống cuộc đời khác hẳn bọn thanh niên hời hợt.
Nàng khám phá ra một thế giới hoàn toàn mới mẻ: ngoài cuộc sống bản năng nàng vẫn sống từ trước đến nay, còn cuộc sống tinh thần khác, cao thượng và kỳ diệu hơn nhiều. Người ta đi vào cuộc sống đó bằng tôn giáo, khác hẳn thứ tôn giáo quen thuộc từ nhỏ với các buổi lễ ở nhà thờ hoặc học thuộc lòng Kinh thánh. Thứ tôn giáo này cao siêu, huyền bí hơn, gắn liền với các tư tưởng, tình cảm cao thượng, quên mình để yêu thương kẻ khác. Và Kitti đã bị Varenca cảm hoá, bắt chước bạn giúp đỡ kẻ nghèo, săn sóc người ốm, đọc kinh Phúc âm cho họ nghe. ở đây, Tolxtoi muốn đem lòng vị tha bác ái và đạo đức tự hoàn thiện bản thân để chứng minh rằng chỉ có tôn giáo mới cứu ta thoát khỏi mọi ràng buộc bản năng của xác thịt và tiến tới cuộc sống tinh thần cao quý hơn. Nhưng cũng chính ngòi bút hiện thực của nhà văn đã giới thiệu Varenca là người thế nào? Đó là một cô gái còn rất trẻ nhưng không có tuổi trẻ, giống đóa hoa đẹp còn nguyên cánh nhưng sớm tàn úa và không hương thơm, nhất là cô ta thiếu niềm hăng say đậm đà, quyến rũ trước đàn ông. Cô già trước tuổi, chỉ nghĩ đến bổn phận, không có nổi tiếng cười. Cuộc sống hoàn toàn lý trí đã giết chết đời sống tình cảm bình thường. Lòng cô yêu thương mọi người không tự nhiên, luôn phải cố gắng, gượng gạo: nó chỉ che đậy một sự thực là cô không có khả năng thực tâm yêu thương theo một tình cảm trần thế giữa người với người. Tất nhiên, với tính yêu đời nồng nàn, Kitti không thể nào trở thành một tiểu thư Varenca thứ hai được. Hơn nữa, con mắt thông minh của nàng cũng bất chợt thấy, sau tính tình "cao thượng", cuộc đời "cảm động", lời lẽ "dịu dàng" của Stan phu nhân là những dấu hiệu giả dối, bịa đặt, giảo quyệt của bà ta, lấy thú vui từ thiện làm một nguồn an ủi, một đồ trang sức. Kitti chỉ sống bằng trái tim mà không thể sống bằng nguyên tắc giáo lý như họ, chỉ thật tâm yêu người mà không thể lên mặt dạy người, cứu người! Nàng sẽ cứ là nàng, không thể đóng kịch trên sân khấu "thanh cao, thoát tục" như Stan phu nhân và cũng không thể là một Varenca khô héo, cằn cỗi. Qua lần thử thách này, cả thân thể lẫn tinh thần Kitti đều khỏe lại và nàng trở về với cuộc sống thực sự yêu đời, đứng ngoài mọi nguyên tắc giả nhân giả nghĩa.
Trong tuần trăng mật, Levin thầm trách Kitti là nông nổi, hèn mọn, ngoài chuyện nhà cửa, bếp nước, vá may ra thì không biết để ý đến một công việc gì đứng đắn, như quản lý trại ấp, xem xét nông dân, chơi nhạc, đọc sách. Nhưng chàng không hiểu vợ mình tự cho phép hưởng vài phút sung sướng, an nhàn đó là để sửa soạn gánh vác những nhiệm vụ rất nặng nề: làm chủ gia đình, làm vợ, làm mẹ. Cả cuộc đời Doli cũng hy sinh cho con cái: bà đem hết tâm sức ra nuôi nấng dạy dỗ, yêu thương chúng. Bà không hiểu nổi, thậm chí còn kinh ngạc, khiếp sợ khi thấy Anna không tự mình nuôi con và không dám đẻ nữa, để gìn giữ sắc đẹp, có thời giờ chiều chuộng người tình. Về mặt tinh thần, người mẹ bình thường đó hơn hẳn bao nhiêu người đàn bà ích kỷ khác. Cả hai chị em Doli và Kitti đều là những người có nữ tính tốt đẹp, trung thành với trách nhiệm người vợ, người mẹ. Nhà văn ra sức ca ngợi những con người đã sinh ra và giữ gìn cuộc sống trên trái đất này.
Tuy nhiên, những nhân vật trên của Tolxtoi có đời sống tinh thần quá eo hẹp. Họ không muốn bước chân ra khỏi ngưỡng cửa gia đình, không đòi hỏi, lo lắng gì mọi quyền lợi khác. Nhà văn cho rằng tâm tình mọi người đàn bà đứng đắn chỉ là "thờ chồng nuôi con". Ông phủ nhận vai trò người đàn bà trong xã hội, mặc dầu vẫn giải quyết vấn đề gia đình với quan niệm nó là một bộ phận chính hợp thành xã hội.
Dù sao Anna Carenina vẫn là cuốn tiểu thuyết xã hội, không phải tiểu thuyết "gia đình" kiểu châu Âu.
- Tất cả cái muôn màu muôn vẻ, tất cả cái huyền diệu, tất cả cái đẹp của cuộc đời đều do bóng tối và ánh sánh tạo nên.
- Cảm giác hụt hẫng, hoang mang, sợ hãi tương tự như người đang yên trí đi trên cầu qua vực thẳm, bỗng nhiên phát hiện ra cầu đã hư nát và dưới chân hiện ra cái vực thẳm đó. Cái vực, đó chính là cuộc đời thực: còn chiếc cầu, đó chính là cuộc đời giả tạo mà Aleixei( hay chúng ta?) đã sống?
- Levin: có lẽ vì tôi biết vui vì những gì tôi có mà tôi không hề buồn vì những gì còn thiếu.
- Về người nông thôn: sức mạnh thể xác, tính ôn hòa thẳng thắn, chân thực, tuy nhiên đầy tính bừa bãi, bẩn thiểu, rượu chè, tò mò cạnh khóe, hay tự ái, ít học
- Oblonxki: lạc thú không phải ở việc khám phá ra chân lí, mà trong việc tìm tòi.
- Anna nghĩ về chồng : tham công danh và mong ước thành đạt, những quan điểm cao thượng, lòng yêu học vấn, tôn giáo, tất cả những cái đó chỉ là phương tiện để đạt tới mục đích trên.
- Ngoài cuộc sống bản năng còn có đời sống tinh thần đó là con đường tôn giáo. Những tôn giáo cao thượng huyền bí, gắn liền với những tư tưởng và tình cảm cao cả. Chỉ có tình yêu và lòng tin mới mang đến những niềm an ủi cho những đau khổ của kiếp người. Ta chỉ cần biết quên mình và yêu mến người khác là được thanh thản, sung sướng và tốt đẹp.
- Cuộc đời không có tham vọng không phải là không đáng sống, mà nó sẽ chán phèo! Tuy nhiên, tham vọng không phải là điều duy nhất làm nên giá trị cuộc đời.
- Levin: mọi người đều phải chết. Tất cả chỉ là hão huyền. Thế giới ta đang sống chỉ là một lớp rêu mốc thếch trên bề mặt của một hành tinh nhỏ xíu mà thôi. Vậy mà ta cứ ngỡ là tư tưởng, hành động của ta cũng có tầm lớn lao nào đó. Đấy chỉ là những hạt cát mà thôi. Mọi thứ đã cũ rích từ đời hồng hoang, khi ta chết đi mọi thứ đều là hư vô!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét