Thứ Ba, 30 tháng 6, 2020

LINH SƠN

Ngọn núi thiêng ở đâu? Ở bên kia con sông? Đường thì không lầm, chỉ có người lầm đường. Khi tuổi trẻ qua đi, ta hay tìm về bản thể nội tâm của mình, tìm ở đâu? Ta bỏ phố về quê, lên rừng xuống biển, ta trốn trong phố thị ồn ào, ta tìm trong những trang sách của những bật hiền nhân, của những nhà tư tưởng lớn. Rốt cuộc, ta có tìm thấy không? Ta tìm thấy mi, một bản thể song song của chính ta, mi là những hồi ức đẹp hay buồn của quá khứ, dữ dội hay giản đơn bình thường; mi là những dòng ý thức nội tâm về đời sống của ta, có lúc bất lực mù mờ tẻ nhạt, có lúc mâu thuẫn lẫn lộn, có lúc sáng rỡ và bình yên.

Có một độc giả bình rất hay rằng "Trong Linh Sơn, để giữ cho ngọn núi bản ngã được ẩn mình an trú trong cơn giông bão thời thế, Cao Hành Kiện đã làm một cuộc “hành hương” trong suốt mười tháng. Ông đã bước đi trên lộ trình dài 15000 cây số qua những vùng núi non hiểm trở miền Tứ Xuyên; từ ngọn nguồn sông Dương Tử (còn có tên là Trường Giang) dọc tới biển khơi. Chất liệu chính của tác phẩm Linh Sơn là dòng suy tưởng, là cảnh sông núi chập chùng, là dáng trời đất bao la, là khuôn mặt thật của con người, là những mảnh đời muôn vẻ; và quan trọng nhất là sự tìm về ngọn nguồn, về bản chất của sự bình an sâu lắng và tự do thực sự trong chính mình. Giáo sư Lee Mabel, người dịch tác phẩm Linh Sơn sang tiếng Anh đã nhận định: “Linh Sơn là câu chuyện của người đi tìm sự an bình và tự do bên trong.” Trong cuộc hành trình tìm về Linh Sơn, có chăng những người cầm bút Việt Nam bên kia cũng như bên nầy đất nước đang âm thầm nhập cuộc. Sẽ trễ tràng cho một sự chối từ, nhưng sẽ không bao giờ muộn màng cho một sự nhập cuộc. Nhập cuộc trên đường về Linh Sơn cũng có nghĩa là chia tay. Có can đảm chia tay với đám đông ồn ào, quyền thế, phù hoa, vọng động mới có thể trở lại bến bờ của dòng sông Tự Ngã trong chính lòng mình. Và từ đó tìm về Linh Sơn, ngọn núi của bản ngã hay chính là linh hồn còn nguyên vẹn trong mỗi con người."

Linh Sơn có phải là một cuốn tiểu thuyết hay không? Ở một chương trong sách, chính ông tự làm nhà phê bình chính mình và nói rằng Linh Sơn đã thoát ra mọi chuẩn mực của thể loại tiểu thuyết truyền thống; ở đây chứa đựng một bút pháp kỳ quái, có du ký và bút ký, có diễn giải về đạo đức, có tiểu phẩm, có nghị luận, có ngụ ngôn thần thoại. Và thông điệp của ông là gì, tôi nghĩ ông không có chủ ý để lại thông điệp gì rõ ràng mà để mỗi độc giả tự cảm nhận và tìm ra thông điệp cho chính mình. Cá nhân tôi nghĩ ông ảnh hưởng tư tưởng Đạo giáo Trung Hoa, điều ấy toát ra từ những dòng độc thoại nội tâm của chính tác giả trong nhiều trang sách.  Đọc Linh Sơn có lẽ như là đang đọc chính mình, là ta, mi, nàng và hắn trong hành trình tìm về chính mình bất tận nhưng ngắn ngủi này!




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét