Danh dự là một thuộc tính được ban tặng cho con người,
từ bên ngoài, nghĩa là một giá trị do người đời khen tặng, chứ bản thân không
thể trực tiếp đi tìm… mà lấy được. Danh dự chỉ đến với những con người sống đức
hạnh, có lương tri, biết hoàn thành trọn vẹn công việc của mình, dù đấy là một
công việc khiêm tốn; Như thế thì mọi người đều có thể có danh dự, chứ danh dự
không phải là riêng của những kẻ có chức, có quyền trong xã hội. Nhưng do ngộ
nhận mà danh dự đã bị coi là một khả năng kích thích con người có hành động đẹp
đẽ, vĩ đại, theo xu hướng khoa trương, phù phiếm bề ngoài, để tạo ra “danh dự”,
hay vinh dự cho chính mình. Bởi khi đó danh dự đã bị đồng hoá với danh vọng,
vinh dự mà người Pháp gọi là “les honneurs”. Thông thường, danh vọng có khả
năng kích thích tâm lý, có thể làm cho con người u mê đến mức sa đọa, y như là
một thứ thuốc phiện! Người ta đam mê chạy theo danh vọng, tìm vinh dự, rồi tự
biến mình thành kẻ khoe khoang, kiêu ngạo, hoang tưởng chạy theo những trò
trang trí phù phiếm, hào nhoáng bề ngoài. Tranh đua nhau trên con đường danh vọng
thường làm cho mình thành ích kỷ, thấp hèn: muốn dìm mọi người chung quanh xuống,
để đề cao mình lên. Danh vọng đã đẻ ra một cấp trên kiêu ngạo, một cấp dưới nịnh
nọt… Tệ nạn nịnh nọt cấp trên thường là phải bóp méo, xuyên tạc sự thật. Nó có
thể cải trang một người bình thường thành kẻ kiêu căng tự đắc, một nhà chính trị
thành một lãnh tụ độc tài, đam mê quyền lực, điên cuồng khao khát danh vọng,
quan liêu cửa quyền đến mức hành động, nói năng như cha mẹ của dân, rồi muốn được
tôn vinh làm cha dân tộc!
Về mặt tâm lý và xã hội, danh dự phải được hiểu một cách hết sức
sáng suốt, hết sức thận trọng để tránh xa những mục tiêu của danh vọng. Danh dự
cũng như hạnh phúc, không thể tìm kiếm, không thể mua chuộc nó một cách trực tiếp,
bằng quyền lực hay tiền bạc, như người ta vẫn đi tìm kiếm danh vọng. Danh dự chỉ
tới, một cách gián tiếp từ bên ngoài, với những ai không chủ tâm tìm kiếm nó,
nhưng biết sống một cách xứng đáng, có lương tri, sống tử tế với mọi người, sống
ngay thẳng, trong sạch ở mọi hoàn cảnh, biết làm tròn nhiệm vụ của mình, dù đó
là của một công việc khiêm tốn nhất… sống như thế là sống thật sự có ích cho mọi
người, là làm đẹp cho xã hội. Danh dự do đó quả thật là một nền tảng của đạo đức.
Nhưng khốn nỗi, người đời vẫn thường nhầm lẫn danh dự với danh vọng. Do vậy nên
danh dự, khi bị hiểu lầm thì nó lá cái bả khiến con người chạy theo nó, tìm kiếm
nó, mua bán nó… để rồi nó biến xã hội thành một môi trường giả dối, háo danh,
phù du, ưa phô trương cái mẽ bề ngoài, che giấu cái trống rỗng, kém cỏi, xấu xa
bên trong… Không thiếu gì xã hội, trong đó con người ngông cuồng khao khát danh
vọng, một xã hội chỉ trọng vọng bề ngoài, chỉ trưng khoe thành tích giả tạo một
cách bệnh hoạn. Một thí dụ điển hình về mặt tiêu cực của danh vọng là thói háo
danh với bằng cấp. Bằng cấp chỉ là một hình thức chứng thực khả năng, nhưng nay
bằng cấp đã bị coi như là thứ áo mão gấm hoa, loè loẹt màu sắc, để phô trương.
Nó đã tạo ra cái thói trưng diện bằng cấp trước cái tên của mình. Tự xưng mình
là tiến sĩ này, thạc sĩ nọ, thủ trưởng cơ quan này, giám đốc công sở kia…! Danh
dự của một người có học, có tri thức là biết sống không ồn ào, không khoa
trương, biết chứng tỏ trình độ bằng kết quả của việc làm, khác hẳn với kẻ đã tự
đồng hoá mình với danh dự bằng những hành động khoa trương chức tước, bằng cấp!
Từ sự hiểu sai ý nghĩa của bằng cấp mà nó đã bêu xấu con người, làm hỏng nền
giáo dục. Tình trạng đó có thể phá hoại xã hội. Khi danh dự bị nhầm lẫn với
danh vọng thì nó đã đưa tới sự gian lận trong thi cử, mua bán bằng cấp, chạy chọt
chức tước cứ y như mua bán áo mão màu sắc lòe loẹt hào nhoáng để trưng diện. Bởi
khi danh dự bị đồng hoá với danh vọng thì nó là một cái bả tâm lý, làm hoen ố
nhân phẩm, làm mất tự trọng, mất tỉnh táo nên không phân biệt được đâu là giá
trị nội tại bền vững đích thực của luân thường đạo lý, đâu là hư danh xấu xa
phù phiếm, dối trá khoe khoang bề ngoài…. Danh dự khi bị nhầm lẫn với danh vọng
thì có thể đưa con người và xã hội đi rất xa về phía tiêu cực.
Danh dự của những người có cuộc sống khiêm tốn hay bị
đời coi thường, bỏ quên… Vì những thành tích vinh quang, đầy danh vọng của những
kẻ có quyền lực, mà có người đã được hậu thế ca ngợi, có khi còn được tôn thờ
như thánh nhân. Những thành tích mưu cầu vinh quang danh vọng một cách đam mê,
cố mưu tìm chiến thắng kiểu Pyrrhus, cố tạo ra những công trình vĩ dại như Kim
Tự Tháp, như Vạn Lý Trường Thành… Và người ta nhầm lẫn đấy là những thành tích
của danh dự. Thực ra là những công trình vĩ đại ấy không thể là biểu tượng cho
danh dự với đạo đức, đạo lý! Vì chiến thắng như thế là phung phí xương máu quân
lính, vĩ đại như thế phung phí mồ hôi, nước mắt của dân chúng. Chúng không mang
tính đạo đức và nhân bản. Vì vậy mà nhiều nhà lãnh đạo quyền lực lớn trong lịch
sử chẳng thể trở thành một nhà đạo đức, càng không thể là thánh nhân! Trong đời
thường, trong đó không hiếm những lãnh tụ chỉ vì cao ngạo, khát khao được trọng
vọng như những Tần Thuỷ Hoàng, Napoléon… là những kẻ đã sẵn sàng phung phí máu
xương quân lính, coi rẻ tính mạng, công sức lao động của nhân dân. Những nhà
lãnh đạo ấy đã kích thích, thúc ép dân phải trở thành anh hùng, phải trở thành
vĩ đại để tạo ra những thành tích vẻ vang, phi thường… cho họ. Vì thế mà hành động
mưu tìm danh vọng thường là phản công lý, phản đạo lý. Tóm lại người ta ưa ca
ngợi, một cách nhầm lẫn, những thành tích vinh quang, vĩ đại… mà bỏ qua, hoặc bỏ
quên khía cạnh vô nhân đạo, bất công của những hành động đã ép buộc nhân dân thấp
cổ bé miệng phải gánh chịu biết bao hi sinh gian khổ để dựng lên những thành
tích ấy. Vì đấy, dù thế nào, thì cũng chỉ là những hành động tàn bạo, háo danh,
thiếu công lý, thiếu đạo lý. Những thành tích vĩ đại ấy, những kỳ công vinh
quang ấy, vì không công lý, không nhân đạo nên nó không thể là trở thành mẫu mực
cho đạo đức! Một danh nhân, một ông vua, trong lịch sử, do những thành tích
chính trị hay quân sự phi thường, thường được đám nịnh thần tâng bốc, ca ngợi đến
mức sùng bái như một vĩ nhân, một thánh nhân, nhưng thật sự đây chỉ là một lãnh
chúa đầy tham vọng, đầy mưu trí nham hiểm, tàn nhẫn, độc ác! Người ta yêu thích
danh vọng, tưởng như đó là danh dự. Sự đam mê danh vọng và quyền lực như thế là
thiêu huỷ tính nhân bản trong những con người muốn có sự nghiệp vĩ đại. Con người
bình thường không chỉ sống vì danh vọng! Trong thực tế, thời có nhiều thành
tích, công trình vĩ đại thường là những giai đoạn bi thảm đen tối, đẫm máu
trong lịch sử nhân loại! Vì một lẽ giản dị là nó thiếu tính nhân bản, thiếu
tính đạo lý. Nhân loại bình thường không sống để đi tìm danh dự trong danh vọng.
Nhân loại bình thường không phải toàn là thánh nhân và anh hùng! Bởi con đường
của những thánh nhân, của những anh hùng, với ý nghĩa cao cả của nó là con đường
tuẫn đạo, là con đường hi sinh có ý thức vì nghĩa vụ đối với con người. Khác với
con đường của những kẻ u mê cuồng tín lao mình vào những hành động đầy máu và
nước mắt, dù cho đấy là con đường tạo ra vinh quang, vĩ đại, nhưng đấy không phải
là con đường của đạo đức! Trong lịch sử, cái thời đầy vinh quang, đầy anh hùng
của một dân tộc, thường là thời đau đớn đầy hi sinh, gian khổ, đầy máu và nước
mắt, đầy hận thù và tội ác… rất phản đạo đức, phản con người… vì thời ấy bắt
đám cùng dân phải trả giá bằng mồ hôi, nước mắt, bằng xương máu và tính mạng!
Danh dự và đạo đức thực ra là những giá trị cộng sinh tự nhiên, chúng không phải
là những thuộc tính chỉ dành cho những vĩ nhân. Trong thực tế, danh dự là một
giá trị kín đáo của con người nói chung, trong những hoàn cảnh sống bình thường,
khiêm tốn trong xã hội, nên người ta không thấy, vì ít được ai để ý tới. Xưa
nay, người đời chỉ nói tới, chỉ đề cao danh dự của những ông lớn có đầy danh vọng.
Do vậy mà chúng ta dễ ngộ nhận, khi đọc tiểu sử của những vĩ nhân, mà không thấy
được những tấm gương sáng về mặt đạo đức trong đám người thấp cổ bé miệng trong
xã hội. Chính ở nơi những mẫu người khiêm tốn ấy, ta mới thấy rõ được rằng danh
dự quả thật là nền tảng của đạo đức. Trong giá trị danh dự âm thầm, khiêm tốn
đó, mới thấy người đời sống như thể đích thực là có đạo đức!
Trích từ "Tran Duc Thao_ Nhung Loi Trang Trối- Tri Vu - Phan Ngoc Khue"
Trích từ "Tran Duc Thao_ Nhung Loi Trang Trối- Tri Vu - Phan Ngoc Khue"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét