Thứ Hai, 26 tháng 12, 2016

CÂU TRUYỆN TRIẾT HỌC - Will Durant

   Tôi nhớ thời sinh viên, nghe đến môn triết là ai ai cũng ngán ngẩm, nào là triết học đại cương, triết học Max Lenin,...ai cũng mong vượt qua nó bởi điểm 5 và sau đó thì trả lại cho thầy những khái niệm khô cứng, một chiều về triết học kinh tế, chính trị.

   Nhưng ở đây, dưới ngòi bút điêu luyện của nhà học giả Will Durant, tôi được đã đọc và nghiền ngẫm những câu truyện Triết học từ thời cổ đại đến hiện đại, như là đọc một cuốn tiểu thuyết. Nào ta cùng quay ngược kim đồng hồ trở về quá khứ để đi vào khu vườn tư tưởng về đời sống, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của trí thức cả siêu hình lẫn sáng sủa của ngôn từ và khái niệm.


Socrate
   Nếu có ai nhận thức rằng con người tốt là con người thông minh, con người đức hạnh là con người khôn ngoan, nếu họ nhận thức được đâu là quyền lợi chính đáng, thấu triệt được luật nhân quả, kiểm soát được lòng ham muốn để khỏi cảnh hỗn độn tự diệt và đi đến một xã hội có kỷ cương, thì họ đã nắm được cái tinh hoa của nền luân lý, họ không cần dựa theo lời răn dạy của thần học hay những điều ngăn cấm khác. Tất cả tội lỗi đều do vô minh mà ra. Người trí huệ cũng bị cám dỗ bởi tham sân si như người vô minh nhưng họ biết dùng trí huệ để chế ngự sự cám dỗ và không rơi vào vòng tội lỗi. Một xã hội sáng suốt là một xã hội trong đó người dân cảm thấy được hưởng quyền lợi thì nhiều, mà bị hạn chế tự do thí ít. Trong xã hội ấy, ăn ở ngay thẳng là giữ đúng quyền lợi mình và an ninh trật tự cũng như thiện chí trong xã hội đều phát xuất từ sự nhận định sáng suốt của cá nhân.

Platon
   Sự kết hợp của văn chương và triết lý, của khoa học và nghệ thuật trong các tác phẩm của Platon đôi khi làm chúng ta khó hiểu: chúng ta không biết rằng những nhân vật của Platon diễn tả tư tưởng của mình trong trường hợp nào, châm biếm, pha trò hay nói đứng đắn. Khuynh hướng pha trò châm biếm của Platon đôi khi làm chúng ta bỡ ngỡ. Những cuộc đối thoại do Platon viết ra là để cho đại chúng: nhờ trình bày những luận điệu bênh vực và đả kích, nhờ lập đi lập lại những ý tưởng nòng cốt, các tác phẩm của Platon rất thích hợp với những người muốn học triết lý cho qua thì giờ. Do đó những lối ngụ ngôn, những giọng văn hài hước thường rất nhiều. Ngoài ra lẽ cố nhiên còn có những tư tưởng liên quan đến những biến cố mà Platon cùng người đương thời thường bàn bạc đến, những tư tưởng này rất khó hiểu đối với một độc giả thế kỷ thứ hai mươi. Chúng ta phải công nhận rằng Platon có những đặc tính mà ông thường chỉ trích. Ông không ưa những thi sĩ với trí tưởng tượng quá dồi dào. Ông không ưa những giáo sĩ, nhưng chính ông là một giáo sĩ, một giảng sư. Giống như Shakespeare, ông cho rằng mọi sự so sánh đều nhầm lẫn, nhưng ông lại luôn luôn dùng phương pháp so sánh. Ông chỉ trích các triết gia đương thời là những kẻ miệng lưỡi nhưng chính ông cũng dùng phương pháp này. Faguet đã nhại lối văn của Platon như sau: - Toàn thể lớn hơn một phần, phải chăng ? - Chắc chắn như vậy. - Và một phần nhỏ hơn toàn thể phải chăng ? - Đúng như thế. - ... Do đó rõ ràng là triết gia phải lãnh đạo quần chúng. - Ông nói cái gì ? - Thật là rõ ràng, chúng ta hãy lý luận trở lại. Mặc dù tất cả những lời chỉ trích, những cuốn đối thoại của Platon là một trong những tác phẩm hay nhất của thế giới. Tác phẩm Cộng hoà là một công trình rộng lớn dưới hình thức một cuốn sách nhỏ trong đó tập trung những tư tưởng của Platon về siêu hình, thần học, đạo đức học, tâm lý học, sư phạm, chính trị và thẩm mỹ. Chúng ta có thể tìm thấy trong đó những vấn đề mà ngày nay chúng ta đang băn khoăn suy nghĩ: thuyết Cộng sản và xã hội, thuyết nam nữ bình quyền, thuyết hạn chế sinh sản và phương pháp dạy trẻ. Những vấn đề của Nietzsche về đạo đức và quý tộc, những vấn đề cũng Rousseau về trạng thái thiên nhiên và tự do giáo dục, những vấn đề của Bergson về đà sống (élan vital) và những vấn đề của Freud về phân tâm học. Emerson nói rằng : "Platon là triết lý, và triết lý là Platon". Đối với ông, thì quyển Cộng hoà của Platon cũng như kinh Coran và người ta có thể đốt tất cả các thư viện, vì tinh hoa của các thư viện đều nằm trong cuốn sách này.

Aristote ( 384 – 322 tTL)
   Quan niệm về bản chất con người của Aristote là một quan niệm rất lành mạnh: tất cả những lý tưởng đều có một căn bản thiên nhiên và tất cả những cái gì thiên nhiên đều có thể nẩy nở thành lý tưởng. Aristote chấp nhận một cách thẳng thắn rằng mục đích trực tiếp của cuộc đời không phải là cái hay cái đẹp mà chính là hạnh phúc. Aristote nói rằng người ta tìm kiếm tiền tài, danh vọng, khoái lạc vì người ta tưởng rằng những thứ đó đem đến hạnh phúc. Tuy nhiên cần phải biết rõ hạnh phúc thật sự là gì và con đường nào đưa đến hạnh phúc. Aristote trả lời câu hỏi này bằng cách tìm những đặc điểm phân biệt loài người và những loài vật khác. Ông cho rằng hạnh phúc là sự phát triển hoàn toàn đầy đủ các đức tính của con người. Đức tính nổi bật nhất của loài người là khả năng suy luận, chính nhờ đức tính này mà loài người đứng trên tất cả loài vật khác. Chính vì vậy mà khả năng suy luận một khi được phát triển hoàn toàn đầy đủ sự đem đến hạnh phúc hoàn toàn cho con người.
   Điều kiện của hạnh phúc do đó là sự phát triển của khả năng suy luận. Đạo đức tuỳ thuộc vào sự suy luận chính xác, sự kiểm soát tinh thần, sự quân bình của lòng ham muốn. đó không phải là những đức tính của những người thường mà là kết quả của sự tập luyện và kinh nghiệm trong những người hoàn toàn trưởng thành. Con đường đi đến mục đích đó là ý niệm trung dung. Mỗi một đặc tính có thể xếp thành 3 loại: loại đầu và loại chót là những đặc tính quá khích, chỉ loại giữa mới là đạo đức . Ví dụ sự nhút nhát và tánh liều lĩnh thuộc về loại đầu và loại chót, nghĩa là những đặc tính quá khích. Tánh rộng rãi nằm giữa tánh biển lận và phung phí. Tánh khiêm nhượng nằm giữa tánh rụt rè và ngạo mạn. Tánh vui vẻ nằm giữa tánh cau có và tánh ba hoa sống sượng ...
   Thuyết trung dung không phải là một thuyết có thể áp dụng một cách máy móc theo toán học. Điểm trung dung có thể thay đổi tuỳ theo trường hợp và chỉ có thể tìm thấy bằng sự suy luận trưởng thành. Chính thói quen quy luận đưa người ta đến chỗ thánh thiện. Một người hành động chính đáng không phải vì lý do họ là một người có đạo đức nhưng ngược lại chính vì họ có đạo đức do sự huấn luyện suy tư công phu mà họ hành động chính đáng. Con người có thể được đánh giá bằng những hành động của họ. Do đó sự thánh thiện không phải là một hành động đơn độc mà chính là một thói quen. Người ta còn nhớ câu nói bất hủ của Aristote về vấn đề này: "Một con én không làm nổi một mùa xuân". Tuổi trẻ là thời kỳ quá khích: nếu một thiếu niên lầm lỗi thì chắc chắn lỗi lầm đó là do sự quá khích mà ra. Sự khó khăn của tuổi trẻ là làm sao không đi từ thái cực này đến thái cực khác vì người ta thường có khuynh hướng sửa sai một cách quá đáng. Những người ở một thái cực có khuynh hướng cho rằng đạo đức không phải nằm ở điểm trung dung mà nằm ở thái cực kia.
   Aristote cho rằng những nhu cầu vật chất cũng cần thiết. Sự nghèo túng quá độ làm cho con người đâm ra biển lận, một tài sản vừa phải đem đến cho con người một đời sống tự do không tham lam giành giựt quá đáng, đó cũng là một đặc điểm của chế độ quý tộc. Một yếu tố khác rất cần thiết cho đời sống hạnh phúc là sự kết bạn. Càng được san sẻ, hạnh phúc càng tăng trưởng. Khái niệm về công bằng không quan trọng trong tình bằng hữu, khi đã là bạn, người ta không nghĩ đến sự công bằng so đo tính toán trong việc giao thiệp. Mặt khác, số bạn chân thật không thể có nhiều: kẻ nào có quá nhiều bạn thật ra không có người bạn nào. Làm bạn với tất cả mọi người là một điều không thể thực hiện được. Tình bạn chân thật phải được thử thách với thời gian, nó đòi hỏi sự ổn định trong tánh tình. Một khi tánh tình không ổn định thì sự kết bạn lẽ cố nhiên cũng bị ảnh hưởng. Bình đẳng là một yếu tố cần thiết trong sự giao thiệp, sự biết ơn không làm cho sự giao thiệp được lâu dài. Những kẻ thi ơn luôn luôn muốn người khác chịu ơn mình mãi mãi trong khi những kẻ chịu ơn luôn luôn muốn xa lánh kẻ thi ơn càng sớm càng tốt. Do đó, sự giao thiệp không thể nào được vững bền.

FRANCIS BACON ( 1561 – 1626 )
   Thuyết về hình thức ở Bacon rất giống thuyết về ý tưởng trong Platon : ấy là một thuyết siêu hình về khoa học. "Khi chúng ta nói đến hình thức ta không muốn nói gì khác hơn là những định luật và sự điều hành của hoạt động đơn thuần đang sắp đặt và hợp thành bất cứ một bản chất đơn thuần nào ... Hình thức của hơi nóng hay của ánh sáng, bởi thế, không có nghĩa gì khác hơn là định luật về hơi nóng và ánh sáng" (Ibid., ii, 13, 17) (Cũng với kiểu tương tự, Spinoza sẽ nói rằng định luật về hình tròn là thực chất của nó). "Bởi vì mặc dù trong thiên nhiên không có gì tồn tại ngoài những cá thể phô bày những hậu quả cá biệt rõ rệt tuỳ theo những luật riêng biệt; tuy thế trong mỗi ngành học, chính những định luật này -sự sưu tầm, phát minh và khai triển chúng- là nền tảng vừa của lý thuyết vừa của thực hành" (Ibid., ii.,2). Của cả lý thuyết lẫn thực hành, cái này thiếu cái kia sẽ vô ích và nguy hiểm; tri thức mà không đẻ ra được thực hành là một vật xanh xao vàng vọt không có máu, không xứng với con người. Chúng ta nỗ lực học về những hình thức của sự vật không phải chỉ để biết hình thức mà chính vì nhờ biết hình thức, những định luật ta có thể làm lại sự vật theo hình ảnh chúng ta muốn. Bởi thế chúng ta học toán để tính lượng và xây cầu; học tâm lý để tìm đường đi trong rừng xã hội. Khi khoa học đã săn tìm ra những hình thể của mọi sự vật, vũ trụ sẽ trở thành nguyên liệu cho con người muốn xây dựng bất cứ một xã hội lý tưởng nào.
   "Những người có địa vị cao thường phải chịu nô lệ ba lần: nô lệ cho vương vị hay tổ quốc, nô lệ cho danh tiếng, nô lệ cho công việc, đến nỗi hoặc không có tự do dù trong hành động, trong con người họ hay trong thì giờ... Bước lên địa vị cao là việc khổ nhọc và từ sự gian khổ này người ta đi đến sự gian khổ lớn hơn; nó lại thường hèn hạ, người ta nhờ vào luồn ra cúi mà bước lên địa vị công hầu. Chỗ đứng ấy lại trơn trượt, bước thụt lùi thường khi không ngã quỵ thì cũng xiểng liểng" (Luận "Về địa vị cao"). Đấy cũng là tóm lược rất xác đáng kết cuộc của chính Bacon một cách không ngờ. "Những lỗi lầm nơi một người thường là sản phẩm thời đại; đức hạnh và tài hoa nơi y mới chính thật của y", Goethe bảo. Điều ấy hình như không đúng hẳn trong trường hợp Goethe, tinh thần của thời đại, song lại đặc biệt đúng trong trường hợp Bacon. Abbot (trong Francis Bacon, ch. 1) sau một cuộc nghiên cứu công phu về tinh thần đạo đức thịnh hành dưới triều Elizabeth, đã kết luận rằng tất cả những nhân vật quan trọng ở đấy, đàn ông cũng như đàn bà, đều là đồ đệ của Machiavel. Roger Ascham mô tả bằng một bài vè bốn đức tính cốt yếu cần thiết trong triều nữ hoàng:
              Gian, dối, nịnh hót, dạn dày,
              Ấy là bốn cách để được ân sủng ở triều đình.
              Nếu bạn không chịu theo bất cứ cách nào trong đó,
              Thì bạn nên trở về làng cũ học cày.

SPINOZA (1632 - 1677)
   Những biến cố của dân Do-thái un đúc tâm hồn Spinoza và làm ông ta có nhiều đặc tính Do-thái mặc dù bị giáo hội Do-thái khai trừ. Mặc dù thân phụ là một nhà buôn giàu có, ông không muốn nối tiếp cha mà chỉ muốn nghiên cứu giáo lý tại thánh đường. Ông là một học giả có tài và các giáo sĩ Do-thái rất tin tưởng vào tương lai ông. Ông học hết thánh kinh rất nhanh và học qua kinh Talmud, một cuốn kinh rất khó của người Do-thái. Dần dần tất cả những kinh sách Do-thái đều được ông nghiên cứ tường tận thông suốt.
   Ông say mê lý thuyết nhất thể giữa vũ trụ và Thiên chúa, tuy nhiên ông không mấy thích thú khi đọc cuốn sách nhan đề Sách chỉ đường cho những người lưỡng lự vì ông tìm ở trong sách nhiều sự lưỡng lự hơn là sự chỉ đường. Ông nghiên cứu Cựu ước và cũng không mấy thoả mãn. Chính những kẻ binh vực giáo lý đã làm hại cho giáo lý ấy nhiều nhất vì càng bênh vực họ càng gieo mầm nghi ngờ cho người khác và kích thích sự chỉ trích của người khác. Càng nghiên cứu giáo lý Do-thái tâm hồn Spinoza càng xao động và ông đâm ra hoài nghi tất cả. Ông muốn tìm hiểu những tác giả đời trước đã viết gì về sự tương quan giữa Thiên chúa và thân phận con người. Để mở rộng tầm kiến thức ông đã học tiếng La-tinh với một học giả người Hoà-lan. Học giả này là một người thuộc phái đối lập và bị xử tử năm 1674, để lại một đứa con gái đẹp làm rung động trái tim của Spinoza. Cuộc tình duyên này bất thành vì người đẹp của Spinoza ôm cầm sang thuyền khác. Từ đó Spinoza trở thành một triết gia.
   Tuy nhiên ông vẫn cố gắng học tiếng La-tinh và nghiên cứu tư tưởng của những tác giả thời Trung cổ. Ông học Socrate, Platon và Aristote, nhưng ông thích đọc Démocrites, Epicure, Lucrèce và những triết gia trong phái Socrate cũng đã ảnh hưởng sâu đậm đến ông. Ông bị ảnh hưởng của những tác giả này đến nỗi ông dùng lại những danh từ của họ, những lối lý luận qua các định nghĩa, định đề, kết luận, chứng minh, nguyên lý v.v... Ông nghiên cứu tác giả Bruno, một thanh niên cuồng tín đã đi khắp Âu châu và sau cùng đã bị thiêu sống bởi phong trào chấn chỉnh tôn giáo. Bruno là người Ý, ông chủ trương thuyết nhất thể. Theo ông thì vạn vật đều nhất thể trong nguồn gốc, vật chất và tinh thần cũng là nhất thể. Vậy mục đích của triết lý là đi tìm sự nhất thể, đi tìm tinh thần trong vật chất và vật chất trong tinh thần, đi tìm sự tổng hợp để hoà giải những mâu thuẫn, đi tìm nhất thể của vũ trụ. Chính những điểm ấy đem người ta đến chỗ hiểu biết Thiên chúa. Những tư tưởng này có thể được xem là nòng cốt của tư tưởng Spinoza.
   Sau cùng và trên hết, Spinoza chịu ảnh hưởng rất sâu đậm của Descartes, một triết gia thiên về duy tâm chủ quan. Tư tưởng nòng cốt của Descartes là sự ưu thế của ý thức, ông cho rằng chính tâm thức tự tìm kiếm để tự thấy vượt trên tất cả những thực thể nào khác. Tâm thức ý thức được ngoại cảnh nhờ tác động của ngoại cảnh vào tâm thức và tất cả triết học phải bắt đầu và bắt nguồn từ tâm thức cá nhân. Do đó Descartes kết luận rằng: "Tôi hiện hữu vì tôi đang suy nghĩ". Chủ nghĩa cá nhân của thời phục hưng sống lại trong tư tưởng của Descartes và chính tư tưởng này sẽ đem lại nhiều hậu quả trọng đại. Đây là khởi điểm của một ngành triết học nghiên cứu khả năng hiểu biết của con người mà những triết gia có tên tuổi như Leibnitz, Locke, Hume Berkeley và Kant đã tranh luận suốt ba thế kỷ. Nhưng khía cạnh của triết học Descartes trình bày trên đây không làm bận rộn Spinoza. Ông từ chối tranh luận về khả năng hiểu biết của con người. Ông chú ý đến quan niệm Descartes về sự đồng nhất của thể chất và tâm thức. Chính những quan niệm này kích thích dòng tư tưởng của Spinoza. Điều làm Spinoza ưa thích trong tư tưởng Descartes chính là sự cố gắng giảng giải vũ trụ bằng những định luật toán học và cơ khí, sáng kiến này cũng là sáng kiến của Léonard và Galilée và là cha đẻ của sự phát triển cơ khí kỹ nghệ trong các thành phố của Ý. Descartes quan niệm rằng Thiên chúa đem lại sự sống và hoạt động của toàn thể vũ trụ từ các tinh tú cho đến các sinh vật, tất cả những cử động của tất cả sinh vật đều có thể được giảng giải bằng những định luật cơ khí. Toàn thể vũ trụ cũng như toàn thể những sinh vật, là những bộ máy. Descartes ngừng tại đây trong khi Spinoza đi xa hơn.
   "Kinh nghiệm cho ta thấy rằng tất cả những sự vật trên cõi đời này đều vô thường. Khi tôi thấy rằng tất cả những sự vật không có gì tốt hoặc xấu tự bản chất chúng, tôi muốn tìm hiểu thử xem trên đời này có cái gì được xem là thật sự tốt và có thể truyền đạt đức tính ấy cho mọi người, làm cho tâm trí say mê đến nỗi loại bỏ tất cả những sự vật khác, tôi quyết tâm tìm xem có thể nào đạt được một trạng thái hạnh phúc hoàn toàn và lâu bền. Tôi có thể thấy những điều lợi do tiền bạc và danh vọng mang lại, nhưng càng có nhiều tiền bạc và danh vọng, người ta càng vui thích và do đó con người luôn luôn tìm cách kiếm thêm tiền bạc và danh vọng. Nếu vì một lẽ gì công cuộc ấy không thành tựu con người sẽ đau khổ ê chề. Danh vọng ũng có nhiều sự bất tiện. Con người đeo đuổi danh vọng phải luôn luôn làm vừa lòng mọi người và tuyệt đối tránh những cử chỉ không phù hợp với nhãn quan của người khác. Chỉ có sự yêu thích những cái gì vô tận mới đem đến cho tâm trí những khoái cảm hoàn toàn trong sạch nghĩa là không nhuốm khổ đau. Không có gì quan trọng bằng tìm hiểu mối liên hệ giữa tâm trí con người và toàn thể vũ trụ. Càng tìm hiểu con người càng nhận thức được những năng lực của chính mình và trật tự của thiên nhiên. Càng nhận thức được những năng lực của chính mình, con người càng có thể kiếm ra những định luật cho chính mình. Càng nhận thức được trật tự của thiên nhiên, con người càng tự giải thoát khỏi những công việc vô ích, đó là toàn thể phương pháp của tôi.
    Chính sự hiểu biết tạo nên quyền lực và giải thoát. Và hạnh phúc trường cửu chính là sự hiểu biết. Tuy nhiên, triết gia phải hoà mình trong cuộc sống với người khác. Họ phải sống thế nào trong khi đi tìm chân lý ? Spinoza đã đặt ra những lề lối cư xử và ông đã tuân theo những lề lối ấy trong suốt cuộc đời ngắn ngủi của ông:
   1. Phải nói chuyện với người khác một cách giản dị dễ hiểu và giúp đỡ họ trong mọi điều không làm hại đến chí hướng của ta.
   2. Chỉ đi tìm những khoái lạc cần cho sự giữ gìn sức khoẻ.
   3. Chỉ kiếm tiền vừa phải để sinh sống và giữ gìn sức khoẻ, đồng thời tuân theo tất cả những tập tục không trái ngược với chí hướng của ta.
   Trong khi đi tìm chân lý triết gia có thể tự đặt câu hỏi: làm sao biết chân lý của tôi đích thực là chân lý ? làm sao tin tưởng được những tín hiệu của giác quan ? Tâm trí của con người không khác gì chiếc xe, trước khi lên xe để nó chở mình đi, cần phải xem lại chiếc xe như thế nào và phải làm đủ mọi cách để sửa sang chiếc xe cho hoàn toàn. Nói một cách khác chúng ta cần phải phân biệt những sự hiểu biết khác nhau và chỉ đi tìm sự hiểu biết chân chính

VOLTAIRE ( 1694 – 1777 )  
  Trong cao trào tranh đấu giải phóng ý thức con người, Voltaire đóng một vai trò lãnh đạo. Ông đóng góp nhiều bài có giá trị trong cuốn Bách khoa tự điển và sáng tác thêm một cuốn nhan đề là Triết lý tự điển. Ông bày tỏ quan niệm một cách rất táo bạo và không kém phần lưu loát. Mặc dù viết rất nhiều, văn chương của Voltaire không bao giờ cẩu thả. Người ta có thể nói quá nhiều trong một cuốn sách. Voltaire vẫn nói quá tóm tắt trong một trăm cuốn. Ông bắt đầu bằng cách hoài nghi và đả phá tất cả những hệ thống tư tưởng đã có từ trước. Ông nói rằng : „Càng nghiên cứu tôi càng nhận thức rằng những hệ thống siêu hình đối với triết gia không khác gì tiểu thuyết đối với phụ nữ. Chỉ những kẻ lưu manh mới dám cho là quan niệm của mình hoàn toàn xác thực. Thực là một sự điên rồ của con người, khi muốn định nghĩa Thiên Chúa, thiên thần và ý thức, khi muốn biết đích xác Chúa đã tạo lập thế giới như thế nào, trong khi người ta không biết tại sao cánh tay con người có thể cử động được. Ông kể chuyện sau đây giữa một triết gia Ấn độ và ông.
   Triết gia Ấn độ nói: - Tôi đã học hỏi trong 40 năm nhưng tôi vẫn cảm thấy rằng tôi bỏ phí thì giờ. Tôi tin rằng con người do vật chất mà có, nhưng tôi chưa bao giờ thoả mãn trong sự tìm hiểu cái gì tạo nên ý nghĩ. Tôi nói rất nhiều nhưng khi hết nói tôi trở nên lúng túng và hổ thẹn vì những điều tôi đã nói ra. Tôi vừa nói chuyện với bà già hàng xóm, tôi hỏi bà ta có đau khổ vì không biết rõ linh hồn không ? Câu hỏi tôi làm bà ngạc nhiên, suốt cả đời bà chưa bao giờ băn khoăn về vấn đề ấy. Bà tin tưởng vào thần Vishnu và khi được tắm bằng nước sông Hằng để rửa sạch tất cả các tội lỗi thì bà hoàn toàn mãn nguyện.
   - Ông có hổ thẹn chăng khi cách ông không đầy 50 thước có một người sống hạnh phúc mà không cần phải suy nghĩ như ông ?
   - Ông nói phải, tôi đã nhiều lần tự nhủ, nếu tôi hoàn toàn ngu dốt như bà già hàng xóm thì tôi sẽ có hạnh phúc nhiều hơn nhưng đó là một thứ hạnh phúc mà tôi không muốn.
   Dù cho triết lý đưa con người đến chỗ hoài nghi tất cả, nó vẫn là một công cuộc cao cả và đẹp đẽ nhất của con người. Chúng ta nên bằng lòng với những tiến triển khiêm nhường hơn là thêu dệt những hệ thống siêu hình hoàn toàn bằng trí tưởng tượng.

   Voltaire cho rằng những nghi lễ và giáo điều của Thiên chúa giáo không khác gì những nghi lễ hoặc những giáo điều dưới thời cổ Hy Lạp, Ai cập hoặc Ấn độ. Voltaire phê bình một cách hóm hỉnh rằng :" Thiên chúa giáo phải là một tôn giáo thiêng liêng vì nó đã sống nổi 1700 năm mặc dù tất cả những sự xấu xa và vô lý của nó". Ông còn chứng minh rằng hầu hết các dân tộc khác cũng có những lối tín ngưỡng na ná giống như Thiên chúa giáo. Ông không đả kích tôn giáo mà chỉ đả kích mê tín dị đoan. Ông nói rằng :" Không phải dân chúng đã tạo nên giáo phái nầy hoặc giáo phái khác mà chính những kẻ ăn không ngồi rồi cố tạo nên chia rẽ để hưởng lợi, những kẻ ấy muốn dân chúng phải sợ thần linh và họ núp bóng thần linh để tác oai tác quái".
   Mặt khác Voltaire cũng đả kích rất nặng nề những kẻ theo thuyết vô thần. Ông nói rằng : "Tôi phải công nhận có một đấng tối cao, nhưng con người không làm sao hiểu nổi đấng tối cao là ai và ý định của đấng tối cao là gì ? Phủ nhận đấng tối cao cũng là một hành động điên rồ, không khác gì quả quyết hiểu rõ cá nhân và ý định của đấng tối cao". Voltaire chỉ trích lối tin tưởng có tính cách cá nhân cho rằng Thiên chúa có thể can thiệp vào những việc riêng của những cá nhân. Ông nói rằng: "Tôi tin vào một đấng tối cao tổng quát đã tạo nên những định luật muôn đời chi phối toàn thể vũ trụ nhưng tôi không tin vào một Thiên chúa riêng biệt sẵn sàng thay đổi định luật của vũ trụ để làm vừa lòng một cá nhân. Sự cầu nguyện chân chính không phải là xin thay đổi định luật thiên nhiên để có lợi cho mình mà là chấp nhận định luật ấy, coi đó như là ý muốn của Thiên chúa". Voltaire không tin sự hiện hữu của linh hồn. Ông nói rằng :"Dù có viết 4000 cuốn sách về siêu hình người ta cũng không làm sao biết rằng linh hồn là gì ? Không ai gán một linh hồn bất diệt cho con ruồi, con voi hoặc con khỉ. Tại sao lại gán một linh hồn cho con người ? Cái đó chắc chắn là do ở tánh kiêu căng mà ra. Tôi tin tưởng rằng nếu con công biết nói nó sẽ khoe khoang rằng nó cũng có một linh hồn và đoan chắc rằng linh hồn ấy nằm sau cái đuôi lộng lẫy của nó".
   Mặc dù không tin linh hồn bất diệt, Voltaire cho rằng cần phải để cho dân chúng tin tưởng vào sự thưởng phạt của thần linh. Voltaire nói rằng:"Một xã hội vô thần chỉ có thể tồn tại nếu tất cả đều là triết gia. Tôi muốn ông luật sư của tôi, ông thợ may của tôi hoặc vợ tôi (sự thật là Voltaire không có vợ !) tin tưởng vào Thiên chúa, có như vậy họ mới không lường gạt tôi. Nếu Thiên chúa không có, cần phải tạo ra một Thiên chúa. Tôi bắt đầu chú trọng đến hạnh phúc gần gũi nhiều hơn đến chân lý xa vời. Trong một bức thư gởi cho Holbach, Voltaire nói rằng :"Sự tin tưởng vào Thiên chúa làm cho con người không dám phạm tội. Chỉ một lý do ấy cũng rất đầy đủ. Nếu một tín ngưỡng có thể bớt được cho nhân loại mười vụ ám sát, mười vụ vu cáo, tôi tưởng rằng mọi người nên theo tín ngưỡng ấy. Những tệ đoan do tôn giáo tạo nên, sự thật là do mê tín chứ không phải là tôn giáo. Mê tín quấn lấy tôn giáo không khác gì con rắn độc, cần phải giết con rắn độc mà không làm phương hại đến tôn giáo.


IMMANUEL KANT VÀ DUY TÂM LUẬN ĐỨC
   Kant sinh ở Koenigsberg, Đông Phổ vào năm 1724. Trừ một thời gian ngắn đi dạy ở một làng lân cận, vị giáo sư nhỏ người lặng lẽ này, con người rất yêu thích giảng về địa lý và nhân chủng học về những xứ xa xôi - không bao giờ rời khỏi đô thị quê hương mình. Ông xuất thân từ một gia đình nghèo đã rời bỏ xứ Tô-cách-lan (Scottland) chừng 100 năm trước khi Immanuel Kant ra đời. Mẹ Kant là một người phái Kính Tín -nghĩa là tín đồ của một giáo phái giống như những người Methodists ở Anh, nhấn mạnh vào sự nghiêm nhặt hoàn toàn và kỷ luật chặt chẽ trong đức tin và sự hành đạo. Nhà triết học của chúng ta chìm mình trong tôn giáo từ sáng đến tối, đến nỗi một đằng ông cảm nghiệm một phản kháng xui ông tránh xa giáo đường suốt cuộc đời tráng niên của mình và đằng khác ông giữ đến cùng ấn tượng u buồn của người Thanh giáo Đức, và cảm thấy, khi về già, một niềm khát khao lớn lao muốn duy trì cho chính mình và cho thế giới những điều tinh yếu, ít nhất, của đức tin mà mẹ ông đã ghi tạc sâu xa vào con người ông.
   Nhưng một thanh niên lớn lên vào thời Fréderique và Voltaire không thể cô lập với trào lưu hoài nghi của thời đại. Kant chịu ảnh hưởng sâu xa ngay cả của những người mà về sau ông bài bác, và có lẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ kẻ thù ruột của ông, Hume. Chúng ta sẽ thấy về sau hiện tượng đáng chú ý khi một triết gia vượt qua tính bảo thủ của lúc trưởng thành và trở về -trong tác phẩm hầu như cuối cùng ở tuổi gần 70- với một sự phóng khoáng, hùng mạnh có lẽ sẽ đem lại cho ông những khổ hình về tôn giáo nếu tuổi tác và danh vọng đã không che chở ông. Ngay trong tác phẩm về sự khôi phục tôn giáo, lạ thay ta cũng rất thường nghe giọng điệu của một Kant thứ hai mà suýt nữa là ta có thể lầm với một Voltaire.
   Schopenhauer nghĩ rằng "công đức của Fréderique Đại đế không phải nhỏ, khi dưới triều đại ông Kant có thể công khai mãi võ và dám ấn hành cuốn Phê bình lý tính thuần tuý của ông. Không bao giờ dưới một nền cai trị nào khác, lại có một giáo sư ăn lương (ở Đức là một nhân viên chính phủ) dám làm một điều như vậy". Kant đã bị buộc phải hứa với người kế vị của đại đế rằng ông sẽ không viết nữa. Để tỏ lòng tán thưởng nền tự do này, Kant đã đề tặng cuốn Phê bình cho Zedlitz, vị tổng trưởng giáo dục cấp tiến và nhìn xa của vua Fréderique.
   Năm 1755 Kant bắt đầu công việc với tư cách giảng sư ở đại học Koenigsberg. Trong mười năm ông bị đặt trong chức vị thấp kém đó; hai lần ông xin làm giáo sư thực thụ đều bị từ chối. Cuối cùng, năm 1770, ông được làm giáo sư luận lý và siêu hình. Sau nhiều năm kinh nghiệm dạy học, ông viết một cuốn sách giáo khoa về sư phạm, ông thường nói về cuốn này rằng nó chứa đựng nhiều lời khuyên tuyệt diệu, nhưng ông chưa bao giờ áp dụng một lời nào. Tuy nhiên ông có lẽ là một giáo sư tốt hơn là một văn sĩ; và hai thế hệ sinh viên đã dần dần đâm ra yêu mến ông. Một trong những nguyên tắc thực tiễn của ông là để ý nhiều nhất đến những học trò có khả năng trung bình; những kẻ u mê, ông bảo, thì vô phương cứu chữa, còn những thiên tài thì đã có thể tự lực.
   Không ai ngờ Kant sẽ làm chấn động thế giới với một hệ thống siêu hình mới mẻ; làm cho bất cứ ai giật mình dường như là tội lỗi cuối cùng mà vị giáo sư khiêm tốn rụt rè này có thể phạm phải. Chính ông cũng không mong đợi gì điều ấy; năm 42 tuổi Kant viết: "Tôi may mắn làm một người yêu của siêu hình học; nhưng cô nhân tình của tôi cho đến nay chỉ ban cho tôi rất ít ân huệ". Vào thời ấy ông thường nói đến "vực sâu không đáy của siêu hình học", và siêu hình học là "một đại dương đen thẫm không bến bờ cũng không hải đăng", trong đó rải rắc đầy những cuộc đắm tàu triết học. Ông lại có thể đả kích những nhà siêu hình học như là những người ở trên những tầng tháp cao của tư duy thuần lý, "ở đấy thường có rất nhiều cuồng phong". Ông không dè cơn bão táp siêu hình dữ dội nhất sẽ do chính ông thổi tới.
   Trong những năm êm lặng này ông chú trọng nhiều đến vật lý hơn là siêu hình. Ông viết về những hành tinh, động đất, lửa, gió, không gian, núi lửa, hình học, nhân chủng học và một trăm thứ khác thuộc loại ấy, thường không dính dấp gì tới siêu hình học. Cuốn Lý thuyết về những từng trời (1755) đưa ra một cái gì rất tương tự giả thuyết tinh vân của Laplace, thử đề nghị một lối giải thích cơ giới về mọi chuyển động và phát triển của thiên thể. Tất cả những hành tinh, Kant nghĩ đều đã hay sẽ có sinh vật ở; và những hành tinh xa mặt trời nhất, có lẽ có một loài trí tuệ cao hơn bất cứ loài nào được sản xuất trên hành tinh chúng ta từ trước đến nay. Cuốn Nhân chủng học (gồm những bài giảng cả đời ông góp lại vào năm 1798) nêu lên giả thuyết rằng có thể con người có nguồn gốc thú vật. Kant lý luận rằng nếu hài nhi người -vào những thời đại sơ khai lúc con người còn bị nguy khốn nhiều với dã thú- đã khóc lớn khi ra đời như ngày nay, thì nó đã bị những con thú khám phá ra và ngấu nghiến; bởi thế, rất có thể lúc đầu con người rất khác với con người văn minh. Đoạn Kant tiếp tục, một cách tinh tế: "Làm sao thiên nhiên đã đem lại một lối phát triển như thế, và nó được trợ giúp nhờ những nguyên nhân nào, chúng ta không biết được. Nhận xét này đưa chúng ta đi rất xa. Nó gợi lên ý nghĩ rằng biết đâu giai đoạn hiện tại của lịch sử, nhân một cuộc cách mạng vật lý vĩ đại nào đó, lại không được tiếp theo bởi một giai đoạn thứ ba, khi một con đười ươi hay một con hắc tinh tinh sẽ phát triển những cơ quan dùng để đi, sờ mó, nói, thành ra cơ cấu chặt chẽ của một con người, với cơ quan trung tâm để dùng vào việc hiểu biết, và dần dần tiến lên dưới sự huấn luyện của các định chế xã hội". Có phải lối dùng thì vị lai này là lối Kant gián tiếp dè dặt đưa ra quan điểm con người đã thực sự tiến triển từ con thú ?
   Như thế ta thấy sự phát triển chậm chạp của con người nhỏ thó đơn giản này, không cao đến 1 m 53, khiêm tốn, rụt rè, tuy thế lại chứa trong đầu cuộc cách mạng lan xa nhất trong triết học tân thời. Đời sống của Kant - một nhà viết tiểu sử nói- trôi qua như động từ có quy tắc nhất trong những động từ quy tắc. "Thức dậy, uống cà-phê, viết, giảng, ăn tối, đi dạo, Heine bảo - mỗi việc đều có giờ giấc của nó. Và khi Immanuel Kant, trong chiếc áo choàng xám, tay cầm gậy, xuất hiện ở cửa nhà ông, và tản bộ về phía rặng phi lao nhỏ mà ngày nay người ta còn gọi nó là "con đường của nhà triết học", thì những kẻ láng giềng biết đồng hồ lớn đã chỉ đúng ba giờ rưỡi. Cứ thế ông đi dạo lui tới, suốt bốn mùa; và khi thời tiết ảm đạm, hay những ngày mây xám báo hiệu mưa sắp đến, thì người ta thấy lão bộc Lampe lo ngại đi theo với một chiếc dù lớn cặp tay, như một biểu tượng của sự phòng xa".
   Kant quá yếu sức về thể chất đến nỗi ông phải theo những phương thức nghiêm nhặt để giữ gìn sức khoẻ; ông nghĩ tốt hơn không nên nhờ đến một y sĩ. Bởi thế ông sống tới tuổi tám mươi. Vào năm thất tuần ông viết một tiểu luận "Về năng lực tâm lý để khắc phục cảm giác bệnh hoạn nhờ sức mạnh của quyết ý". Một trong những nguyên tắc yêu thích của ông là chỉ thở bằng mũi, nhất là khi ở ngoài trời; do đó về mùa thu, đông và xuân, ông thường không cho phép ai nói chuyện với ông trong những buổi đi dạo hàng ngày: im lặng tốt hơn là cảm lạnh. Ông suy ngẫm mọi sự chu đáo trước khi hành động; và bởi thế ông ở độc thân suốt đời. Có hai lần ông suy nghĩ đến việc cầu hôn một thiếu nữ, nhưng suy nghĩ lâu quá nên lần đầu thì thiếu nữ kết hôn với một người dạn dĩ hơn, và lần sau thì cô kia dọn nhà khỏi Koenigsberg trước khi nhà triết học có thể quyết định. Có lẽ ông nghĩ, như Nietzsche, rằng hôn nhân sẽ chướng ngại ông trong công việc theo đuổi chân lý một cách đứng đắn. "Một người đàn ông có gia đình, Talleyrand thường bảo, sẽ làm bất cứ việc gì để kiếm tiền". Và vào năm hai mươi hai tuổi, Kant đã viết với tất cả lòng nhiệt thành tốt đẹp của tuổi trẻ: "Tôi đã chuyên chú vào đường hướng hành động mà tôi quyết định giữ. Tôi sẽ đi con đường của tôi và không gì ngăn cản được tôi đi theo đường ấy".
   Bởi thế ông kiên tâm chịu đựng sự nghèo túng, vô danh, phác họa, viết đi viết lại tác phẩm của ông trong gần mười lăm năm; và chỉ hoàn thành vào năm 1781, khi ông năm mươi bảy tuổi. Chưa có người nào chín muồi chậm đến thế; và cũng chưa có tác phẩm nào làm kinh động và lật đổ cả thế giới triết học như thế.

SCHOPENHAUER ( 1788 – 1860 )
   Tại sao nửa đầu thế kỷ 19 đã nổi lên làm tiếng nói của thời đại một nhóm thi sĩ bi quan: Byron ở Anh, de Musset ở Pháp, Heine ở Đức, Leopardi ở Ý, Pushkin và Lermontof ở Nga; một nhóm nhạc sĩ bi quan : Schubert, Schumann, Chopin và cả Beethoven sau này ( một nhà bi quan cố tự thuyết phục rằng mình lạc quan); và trên tất cả, một triết gia vô cùng bi quan - Arthur Schopenhauer.
   Con người chín chắn chấp nhận những giới hạn tự nhiên của cuộc đời; y không mong đợi ông Trời thiên vị có lợi cho y; y không đòi hỏi được chia nhiều con bài hơn kẻ khác để chơi ván bài cuộc đời. Y biết - như Carlyle- rằng không có nghĩa lý gì để phỉ báng mặt trời chỉ vì nó không thắp cho ta điếu xì-gà. Và có lẽ, nếu chúng ta khá đủ thông minh để phụ lực cho nó, mặt trời có thể làm ngay cả việc ấy nữa; và vũ trụ bao la vô tư này có thể trở thành một nơi khá dễ chịu nếu ta mang một ít nắng của riêng chúng ta để giúp vào đó. Thực ra thế giới không theo chúng ta cũng không chống lại chúng ta; nó chỉ là nguyên liệu đơn thuần ở trong tay ta, và có thể trở thành thiên đường hay địa ngục tuỳ ở điểm chúng ta là gì.
   Lạc thú phải chăng là tiêu cực ? Chỉ có một tâm hồn đã bị vết thương nặng nề, rụt mình khỏi sự tiếp xúc với thế giới, mới có thể rút ra một lời xúc phạm căn để như thế đối với cuộc đời. Lạc thú gì nếu không phải là sự vận hành nhịp nhàng của những bản năng ? - và làm sao lạc thú có thể là tiêu cực trừ phi cái bản năng đương vận hành ấy sẵn sàng để rút lui hơn là để tiến đến những lạc thú của sự thoát ly và an nghỉ, của sự phục tùng và an ninh, của nỗi cô đơn và vắng lặng dĩ nhiên là tiêu cực, bởi vì những bản năng thúc dục ta tìm đến chúng vốn cốt yếu là tiêu cực - những hình thức của sự trốn chạy và sợ hãi; nhưng ta có thể nào nói thế về những khoái lạc xảy đến khi những bản năng tích cực đang điều khiển - những bản năng của sự thu hoạch, chiếm hữu, của sự hiếu chiến và sự thống trị, của hành động và chơi đùa, của sự kết bạn, của tình yêu ? Phải chăng là tiêu cực niềm vui trong chuỗi cười, sự nô đùa của trẻ, tiếng hót của con chim gọi bạn, tiếng gáy của con gà trống, sự xuất thần đầy sáng tạo của nghệ thuật ? Chính sự sống là một sức mạnh tích cực, và mọi nhiệm vụ bình thường của nó đều có một lạc thú.
   Dĩ nhiên rất đúng khi bảo rằng sự chết thật là ghê gớm. Nhưng phần lớn nỗi kinh hoàng của nó sẽ biến mất khi ta sống một đời bình thường; con người phải sống đúng cách để chết đúng cách. Và liệu sự bất tử có làm cho ta vui thú chăng ? Ai thèm số phận của Ahasverus, kẻ đã bị buộc phải sống hoài không chết, xem như hình phạt nặng nhất có thể đặt ra cho con người ? Và bởi đâu sự chết là ghê gớm nếu không phải bởi vì sự sống là ngọt ngào ? Ta không cần phải nói như Napoléon rằng tất cả những người sợ chết đều là người vô thần chính cống, nhưng ta có thể nói chắc chắn rằng một người đã sống bảy mươi năm tức đã vượt qua bi quan luận của mình rồi. Goethe nói không ai là một kẻ bi quan sau ba mươi tuổi. Và hoàn toàn không thể bi quan trước tuổi hai mươi; bi quan là một xa xỉ phẩm của tuổi trẻ tự thức và xem mình quan trọng; cái tuổi đã ra khỏi lòng ấm áp của gia đình xum vầy để đi vào không khí lạnh lùng của cạnh tranh và thèm muốn cá nhân, rồi khát vọng hướng về lòng mẹ; cái tuổi trẻ đã điên cuồng tự lao mình vào những cối xay gió và những xấu xa của cuộc đời, rồi buồn bã trút dần theo mỗi năm những ảo vọng và lý tưởng. Nhưng trước tuổi hai mươi là niềm vui của thể xác và sau tuổi ba mươi là niềm vui của tâm hồn; trước hai mươi là khoái cảm của sự che chở và an ninh; sau ba mươi lạc thú của gia đình và nhiệm vụ làm cha mẹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét