Đọc xong, liệu chúng ta có thể giải đáp những băn khoăn sau hay không:
- Tại sao người ta lại định dạng quốc gia Việt Nam bằng một cái tên lai ghép giữa Ấn và Hoa – INDOCHINOISE? Văn hóa Việt Nam đã vay mượn gì Trung Hoa, và định hình văn hóa cho dân tộc như thế nào? Người Việt đã tạo nên một xã hội riêng, một lối sinh hoạt thế nào mà trải qua bao thế kỷ dân tộc Việt Nam không bị tan chìm và đồng hóa trong khối Hán tộc?
- Tại sao luân lý Khổng Mạnh không đem áp dụng được toàn vẹn trong xã hội Việt Nam? Người Việt đã kiến tạo nên một văn minh khác hẳn với Trung Hoa ra sao? Tại sao cùng một mô hình chế độ, dưới cùng luân lý Khổng Mạnh, mà vai trò của người phụ nữ Việt Nam lại cao hơn hẳn vai trò của người phụ nữ Trung Hoa?
- Mối liên hệ giữa chế độ xã hội với phương thức sản xuất đã được nhìn nhận như thế nào qua sự tiến hóa của dân tộc Việt?
- Tại sao cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng lại thất bại? Tại sao cuộc cải cách của Hồ Quý Ly lại không thành công? Tại sao triều Quang Trung lại nhanh chóng sụp đổ?
- Tại sao Trung Quốc có giặc Khăn Vàng, có Bạch Liên giáo, có Thái Bình Thiên Quốc... Nhưng xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam không có bất kỳ một cuộc khởi nghĩa quy mô nào mượn danh nghĩa Tôn Giáo?
- Tại sao người Việt Nam thông minh nhưng bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu năm tháng qua đi vẫn không sản sinh ra được một luận thuyết nào? Tại sao người Việt Nam lại không có được bất kỳ công trình kiến trúc hoành tráng để đời?
Trích lời dẫn:
Nhìn vấn đề từ cái logic bản địa, Lương Đức Thiệp đã có những nhận định táo báo, mà ngẫm nghĩ cho sâu, không phải không đặt trên một cơ sở vững chắc: “Sau thêm đạo Lão, đạo Phật, đạo Khổng du nhập, hình thức tôn giáo người Việt Nam lại càng phức tạp và hỗn độn nữa, tựu chung vẫn có một đạo gốc là sự sùng bái tổ tiên cùng hai đạo phụ là đạo Lão và đạo Phật”. Bàn về các hình thức tôn giáo Việt Nam, Lương Đức Thiệp đã nhấn mạnh đạo thờ tổ tiên mới là nội dung chính yếu trong xã hội Việt Nam. Phần còn lại, Phật, Khổng, Lão - các tôn giáo du nhập bên ngoài, phần lớn qua ngả Trung Hoa - dùng đúng chữ của Lương Đức Thiệp đều chỉ là “đạo phụ” mà thôi. Nhận định táo bạo này, là trái ngược với cái nhìn phổ biến hiện nay coi Nho, Phật, Đạo là tôn giáo chính của Việt Nam sau mới đến tôn giáo bản địa mà đạo thờ tổ tiên chỉ là một nội dung đi kèm. Nhận định của Lương Đức Thiệp là không tầm thường. Theo tôi, đấy là nhận định được xây trên một nền tảng khá chắc chắn. Quan điểm ấy, sau này, cũng có người nói đến, nhưng đáng kể hơn cả có lẽ là sự “tái sinh” nội dung quan niệm này trong học thuật của một nhà dân tộc học bách khoa là Đặng Nghiêm Vạn – người đeo đuổi chủ thuyết “đạo tổ tiên” trong văn hóa và tôn giáo Việt Nam. Phần phát sáng vào loại bậc nhất này trong học thuật của Đặng Nghiêm Vạn, cần nói rõ, là trải nghiệm của riêng ông, vì, theo dõi học thuật của Đặng Nghiêm Vạn, dẫu đọc bách khoa nhưng ông đã không hề đọc Lương Đức Thiệp - bậc tiền bối tiên khu trong ý tưởng của ông. Đấy chính là ý nghĩa của việc phổ biến trở lại Xã hội Việt Nam, để học thuật Việt Nam khỏi tốn công “phát hiện lại”, đi tới đi lui trên cùng một quãng đường mà đáng lý ra người trí thức đến sau phải được kế thừa bậc tiền nhân mở đường thuở trước. Cái nạn “cấm thư”, xem ra, vẫn là di hại lớn cản trở đường tiến lên của khoa học xã hội Việt Nam.
Đặt cái nhìn tôn giáo căn bản của Việt Nam là đạo thờ cúng tổ tiên, thì dĩ nhiên, phân tích xã hội học của Lương Đức Thiệp sẽ nhìn nhận gia đình là hạt nhân căn bản của tổ chức xã hội. Và vì không coi các tôn giáo đến sau như Phật, Lão, Khổng là chủ yếu trong cấu trúc tinh thần Việt Nam nên Lương Đức Thiệp nhìn ra thái độ dung hòa và không cực đoan tôn giáo ở người Việt. Họ không bao giờ trở thành các tín đồ cực đoan của một tôn giáo ngoại lai, bởi đơn giản, đạo tổ tiên mới là đạo gốc của họ. Trái lại, tôn giáo ngoại lai nào muốn bám rễ, đều phải nhượng bộ trước đạo thờ tổ tiên, trường hợp đạo Công giáo là một ví dụ điển hình.