Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2016

Emile hay là bàn về giáo giục

LỜI GIỚI THIỆU CỦA BÙI VĂN SƠN NAM:

“ÉMILE HAY LÀ VỀ GIÁO DỤC”  MỘT TRIẾT LÝ GIÁO DỤC NHÂN BẢN:  DẠY VÀ HỌC LÀM NGƯỜI

  “Việc học tập đích thực của chúng ta là học tập về thân phận con người”…[1]
  J.J. Rousseau (Émile hay là về giáo dục)

  Triết gia Immanual Kant (1724-1804) tác giả của câu trả lời nổi tiếng về “Khai minh là gì”[2] có kỷ luật sinh hoạt hết sức nghiêm ngặt: Đúng bốn giờ chiều mỗi ngày, ông ra khỏi nhà, đi dạo, luôn luôn một mình, trên cùng một con đường. Giai thoại thường kể: dân Kònigberg chờ ông ra khỏi nhà để lên dây cót hoặc chỉnh đồng hồ! Và tương truyền chỉ có hai lần Kant trễ “thời khóa biểu trong suốt mấy mươi năm: Nhận được tác phẩm Émile hay là về giáo dục của J. J. Rousseau và nghe tin Đại Cách mạng Pháp bùng nổ. Hai sự kiện cách nhau ngót 30 năm (1762/1789) nhưng với Kant, có lẽ quyển sách này cũng quan trọng không kém cuộc cách mạng kia, nếu không muốn nói, cái sau chính là kết quả của cái trước. Ta nhớ đến lời ca tụng của một trong các lãnh tụ khét tiếng của Cách mạng Pháp, Robespierre: “Trong số những nhà tư tưởng thì chỉ có Rousseau mới thật xứng đáng với danh hiệu là người Thầy của nhân loại” (diễn văn ngày 7.5.1794) Kant, suốt đời sống độc thân (tức không có nhu cầu giáo dục con cái!), cũng đã trở thành một nhà đại giáo dục tiêu biểu cho thời cận đại là nhờ chịu ảnh hưởng sâu đậm của J. J. Rousseau khi Kant nói: “Con người là tạo vật duy nhất cần phải được giáo dục”[3] hay “Con người chỉ có thể trở thành người là nhờ giáo dục. Con người là những gì được giáo dục tạo nên”[4]. Vấn đề chỉ còn là: Nền giáo dục ấy phải như thế nào?
  Đối với nước ta, J. J. Rousseau cũng không phải là một tên tuổi xa lạ. Trong một vế của đôi câu liễn trên bia mộ của cụ Phan Châu Trinh do nhân dân Sài Gòn phụng lập năm 1926 ta đã đọc thấy tám chữ. “Trung học Mạnh Kha, Tây học Lư Thoa”… ngụ ý ca ngợi Cụ thâu gồm tinh hoa của cả hai nền văn hóa Đông Tây: Mạnh Kha là tên thật của Mạnh Tử, còn Lư Thoa chính là J. J. Rousseau theo cách phiên âm quen thuộc vào những thập niên đầu thế kỷ XX. Phần “tinh hoa” ấy chủ yếu là tinh thần “dân vi quý” nơi Mạnh Tử và chủ trương “dân chủ”, “bình đẳng” trong tác phẩm Khế ước xã hội (Du contratsocial, 1762) của J. J. Rousseau. Là người tiếp thu sớm nhất các tư tưởng ấy, cụ Phan xứng đáng được tôn vinh là nhà cách mạng dân chủ tiên phong đầu tiên (“dân chủ tiên thanh”) của nước ta. Phần tinh túy khác của Rousseau còn ít được giới thiệu, đó là học thuyết và triết lý của ông về giáo dục được trình bày trong Émile hay là về giáo dục, công bố cùng năm với quyển Khế ước xã hội (1762), nhưng lại được ông xem là “quyển hay nhất và quan trọng nhất trong mọi trước tác của tôi”[5]. Quyển sách “hay nhất” là điều dễ nhận thấy khi ta sắp được thưởng thức văn tài kiệt xuất, nổi tiếng là cuồn cuộn như nước chảy mây trôi của Rousseau qua bản dịch công phu và tài hoa, thật xứng đáng với nguyên tác của hai dịch giả Lê Hồng Sâm và Trần Quốc Dương mà hôm nay tôi vinh hạnh được viết đôi lời giới thiệu. Nó cũng là “quan trọng nhất” vì đây là một công trình triết luận đồ sộ về bản tính của con người: Ông đặt nhiều câu hỏi triết học và chính trị về mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội, nhất là câu hỏi: Làm sao cá nhân có thể bảo tồn cái “thiện chân” (theo quan niệm của Rousseau về “tính bản thiện tự nhiên” của con người) khi dấn mình vào cuộc sống xô bồ và “đồi bại” không tránh khỏi của xã hội. Trong Émile hay là về giáo dục, thông qua câu chuyện giả tưởng về cậu bé Émile được người thầy giáo dục từ lúc mới chào đời cho đến khi lập gia đình và trở thành “người công dân lý tưởng” thông qua năm giai đoạn đào tạo, Rouseau phác họa một triết lý và phương pháp giáo dục giúp cho “con người tự nhiên” (được ông phác họa trong Khế ước xã hội có đủ sức khỏe thể chất và nghị lực tinh thần để đương đầu với những thử thách trong cuộc đời. Sau Cộng hòa, quyển VIII của Platon, đây là công trình hoàn chỉnh đầu tiên về triết lý giáo dục ở phương Tây, đồng thời cũng là loại hình Bildunysroman (tiểu thuyết giáo dục) đầu tiên, sớm hơn quyển Wilhelm Meister nổi tiếng của J. W. Goethe hơn ba mươi năm. Khó có thể nói hết về tầm ảnh hưởng rộng rãi và sâu đậm của Rousseau đối với hậu thế. Trong khi học thuyết chính trị của ông, đặc biệt khái niệm “ý chí phổ biến” (volonté générale) gây nhiều nghi ngại về xu hướng “toàn trị” và chuyên chế (phải chăng đó cũng là ẩn ý trong lời ca tụng của Robespierre), thì các bộ phận khác vẫn còn đây sức hấp dẫn. Nếu cách tiếp cận mang tính chủ thể-cảm xúc (trong tiểu thuyết La Nouvelle Héloise và trong Confessions) của ông đã không chỉ ảnh hưởng đến trào lưu văn hóa lãng mạn Pháp mà cả đến các văn hào Đức như J. G. Von Herder, J. W. Goethe, F. Von Schiller; việc nhấn mạnh đến tự do của ý chí và bác bỏ quan niệm cố hữu ở phương Tây về “tội tổ tông” đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến phân tâm học và triết học hiện sinh ở thế kỷ XX thì học thuyết của Rousseau về giáo dục còn có sức tác động mạnh mẽ hơn nữa. Nó đã góp phần hình thành các phương pháp sư phạm khoan dung, xem trọng tâm lý lứa tuổi của nền giáo dục hiện đại (“thuyết phát triển”, “thuyết tiến hóa tự nhiên”…) với tên tuổi của nhiều nhà cải cách giáo dục lừng danh như Friedrich Frôbel, J. Heinrich Pestalozzi, John Dewey, Maria Montessori v..v… Đến với Rousseau là đến với trung tâm của bước ngoặt thời đại giữa “trật tự cũ” và “trật tự mới”. Do đó, ông không chỉ là nhà lý luận xã hội mà còn là nhà lý luận giáo dục; và việc ông là cả hai, đồng thời có ảnh hưởng sâu đậm ngang nhau trên hai lĩnh vực cho thấy mối liên kết nội tại chặt chẽ giữa những biến chuyển xã hội ở thế kỷ XVIII ở Châu Âu và việc ra đời nền tân-giáo dục.
  Bước ngoặt trong tư duy giáo dục được thể hiện dày đặc trong từng trang sách khiến người đọc dường như luôn cảm thấy muốn dừng lại, dùng bút để gạch dưới hay tô đậm hàng loạt những câu đặc sắc. Vượt qua khoảng cách 250 năm, tưởng như Rousseau là người sống cùng thời với chúng ta, đang chia sẻ những nỗi lo âu và bất bình của những người vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân của một nền giáo dục đang phạm nhiều sai lầm từ cơ sở triết lý, cách thiết kế cho đến phương pháp sư phạm với một hậu quả đáng sợ cho phụ huynh lẫn con cái. Ta hãy thử nghe ông nói: “Chúng ta xót thương cho số phận của tuổi thơ, thế mà chính số phận chúng ta mới cần xót thương. Những nỗi đau lớn nhất của chúng ta do chúng ta mà ra”. Vì đâu nên nỗi? Vì “người ta không hề hiểu biết tuổi thơ: dựa trên những ý tưởng sai lầm của ta về tuổi thơ thì càng đi càng lạc lối (…) Họ luôn tìm kiếm người lớn trong đứa trẻ mà không nghĩ về hiện trạng của đứa trẻ trước khi nó là người lớn”. Nói cách khác, đó là nền giáo dục không hề “nhìn rõ chủ thể mà trên đó ta cần thao tác. Vậy xin các vị hãy bắt đầu bằng việc nghiên cứu kỹ hơn các học trò của mình”. Và cũng vì không hiểu rõ “chủ thể” của giáo dục là người học nên người lớn tha hồ sử dụng phương pháp áp đặt: “thay vì giúp ta tìm ra các chứng minh, người ta đọc cho ta viết các chứng minh ấy; thay vì dạy ta lập luận, ông thầy lập luận hộ ta và chỉ rèn luyện trí nhớ của ta thôi”. Trong khi đó, đúng ra “vấn đề không phải là dạy các môn khoa học, mà là đem lại cho người học hứng thú để yêu khoa học và đem lại phương pháp để học những môn đó, khi hứng thú này phát triển hơn lên. Chắc chắn đó là một nguyên lý cơ bản của bất kỳ nền giáo dục tốt nào.
  Thiếu các nguyên lý giáo dục đúng đắn dẫn đạo, ta chỉ tạo ra những con người “được gia công”, vừa được nuông chiều quá đáng trong vòng tay cha mẹ, vừa bị kiềm tỏa đủ kiểu dưới mái nhà trường: “Những ý tưởng đầu tiên của trẻ là những ý tưởng về quyền lực và khuất phục. Nó hạ lệnh trước khi biết nói, nó vâng theo trước khi có thể hành động, và đôi khi người ta trừng phạt nó trước khi nó có thể biết lỗi, hoặc nói đúng hơn là có thể phạm lỗi. Như vậy là người ta sớm rót vào trái tim non nớt của nó những đam mê mà sau đó người ta quy tội cho tự nhiên, và sau khi đã nhọc công làm nó thành tai ác, người ta lại phàn nàn vì thấy nó tai ác!”. Sản phẩm tất yếu của một nền giáo dục áp đặt như thế thật đáng sợ…” vừa là nô lệ vừa là bạo chúa, đầy kiến thức và thiếu lương tri, yếu đuối bạc nhược về thể chất cũng như tâm hồn, và bị quẳng vào xã hội. Với Émile hay là về giáo dục, Rousseau muốn thử phác họa một quan niệm khác về giáo dục. Quan niệm ấy vừa mới mẻ, tiến bộ, vừa có không ít những mâu thuẫn, nghịch lý như bản thân cuộc đời và toàn bộ học thuyết của ông. Nó “khiêu khích” và buộc ta phải suy nghĩ hơn là quá “trơn tru” để ta dễ dàng nhắm mắt nghe theo!
==========

TRÍCH:

"Tự nhiên muốn trẻ em là trẻ em trước khi là người lớn. Nếu chúng ta muốn làm sai lạc trật tự ấy, chúng ta sẽ sản xuất ra những quả chín sớm, chẳng có độ thành thực cũng chẳng có hương vị, và sẽ hỏng sớm; chúng ta sẽ có những nhà bác học ít tuổi và những đứa trẻ già nua. Tuổi thơ có các cách nhìn, cách suy nghĩ, cảm nhận riêng thuộc về nó; không có gì kém hợp lý bằng việc muốn đem cách nghĩ của chúng ta thay cho những cách nghĩ ấy; và đòi đứa trẻ mười tuổi phải biết xét đoán khác gì đòi một đứa trẻ phải cao năm pied[53]. Quả thực, lý trí giúp gì cho nó ở tuổi ấy? Lý trí là máy hãm sức lực, mà trẻ con không cần máy hãm này."

"Xin hãy tôn trọng tuổi thơ, và đừng vội vã xét đoán nó, dù hay dù dở. Hãy để cho các ngoại lệ tự biểu thị, tự chứng tỏ, tự xác nhận lâu dài trước khi dung những phương pháp đặc biệt đối với các ngoại lệ ấy. Hãy để tự nhiên hành động lâu dài, trước khi xen vào hành động thay cho tự nhiên, e rằng gây trở ngại cho các việc làm của tự nhiên. Các vị bảo là các vị biết giá trị của thời gian và không hề muốn uổng phí thời gian. Các vị không thấy rằng dùng thời gian không đúng là uổng phí thời gian hơn rất nhiều so với chúng khi không làm gì hết, và một đứa trẻ dạy dỗ không đúng xa với sự hiền minh đức độ hơn đứa trẻ chưa hề được dạy dỗ gì. Các vị lo sợ thấy nó hao phí những năm đầu tiên mà chẳng làm gì hết. Sao vậy! Được hạnh phúc mà không là gì hết sao? Nhảy, chơi, chạy suốt ngày mà không là gì hết sao? Suốt đời nó sẽ chẳng bận rộn đến như thế. Platon, trong Cộng hòa, mà người ta tưởng là rất khắc khổ, chỉ giáo dưỡng trẻ em bằng hội hè, trò chơi, ca hát, tiêu khiển; cứ như thể ông đã làm hết mọi điều khi đã dạy kỹ cho chúng biết vui chơi; còn Sénèque, khi nói về thiếu niên La Mã xưa: Thiếu niên bao giờ cũng đứng, người ta chẳng dạy chúng cái gì phải ngồi mà học cả. Đến tuổi tráng niên, lớp thiếu niên ấy có kém giá trị chăng? Vậy xin các vị hãy ít sợ tình trạng bảo là nhàn rỗi ấy. Các vị sẽ nói sao về một người, để lợi dụng toàn bộ đời mình, nên không bao giờ muốn ngủ hết. Các vị sẽ bảo: Người này điên cuồng; anh ta không hưởng dụng thời gian của mình, anh ta tự tước đi thời gian; cứ trốn tránh giấc ngủ, anh ta đi nhanh đến cái chết. Vậy các vị hãy nghĩ rằng sự việc ở đây cũng vậy, và tuổi thơ là trạng thái ngủ của lý trí."

"Tôi muốn rằng, chúng ta chọn lựa những mối giao tiếp của chàng thanh niên để cho anh ta nghĩ tốt về những người sống cùng với mình; và chúng ta dạy cho anh ta biết rất rõ xã hội; để anh ta nghĩ xấu về mọi chuyện xảy ra trong nhân gian. Anh ta phải biết rằng, con người bản chất là tốt, anh ta phải cảm nhận được điều đó, anh ta phải tự mình xét đoán đồng loại; nhưng anh ta phải thấy rõ xã hội làm biến chất và làm hỏng con người như thế nào, anh ta phải biết nguồn gốc của một thói xấu của con người nằm trong các thành kiến, anh ta phải có khả năng đánh giá từng cá nhân nhưng phải biết coi thường số đông; anh ta phải thấy rằng, mọi người đều mang gần như là cùng một thứ mặt nạ, nhưng anh ta cũng phải biết rằng có những bộ mặt còn đẹp hơn cái mặt nạ che đậy chúng."